image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Cảnh giác với dịch cúm gia cầm
Nếu chỉ nhìn lướt qua diễn tiến dịch tễ của bệnh cúm gia cầm từ khi chủng virus A/H5N1 gây bùng phát dịch trong nước và trên toàn thế giới từ năm 2003 đến nay thì dường như các mối thiệt hại kinh tế đã được phục hồi và nguy cơ lây nhiễm gây bệnh trên người cũng đã lắng xuống

Nếu chỉ nhìn lướt qua diễn tiến dịch tễ của bệnh cúm gia cầm từ khi chủng virus A/H5N1 gây bùng phát dịch trong nước và trên toàn thế giới từ năm 2003 đến nay thì dường như các mối thiệt hại kinh tế đã được phục hồi và nguy cơ lây nhiễm gây bệnh trên người cũng đã lắng xuống? Tuy nhiên, nếu phân tích đầy đủ và xuyên suốt tiến trình gây hại của virus cúm gia cầm cho đến thời điểm gần đây nhất thì cách nhìn nhận có lẽ phải ngược lại, cúm gia cầm vẫn tồn tại và hơn thế nữa nó còn có những biến chủng để như cơn sóng ngầm tiềm tàng chờ đợi cơ hội bùng phát, không chỉ thiệt hại kinh tế mà hơn thế là hệ quả dự đoán xấu đến sinh mạng con người.

Như chúng ta đã biết, bản chất của virus vốn có khả năng tự biến thể và biến thể kết hợp với các chủng virus khác để gia tăng độc lực, mở rộng phạm vi, đối tượng và tốc độ lây nhiễm, cụ thể kết quả phân lập chủng virus gây bệnh tại các ổ dịch cúm trên gà, vịt các năm gần đây đã nhận dạng không chỉ là chủng virus A/H5N1 mà còn là Subtype của H5N1 và các chủng H5N2, H5N6, H5N8, H7N9, đáng nói là chúng đều thuộc nhóm có độc lực cao HPAI (Highly Pathogenic Avian Influenza). Trong đó, đáng quan ngại hơn hết là chủng H5N8 như theo nhận định của Tổ chức Thú y Thế giới OIE (Office International des Epizooties) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc FAO (Food and Agricuture Organisation) trong năm 2021 đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus thể độc lực cao A/H5N8, chiếm xấp xỉ 70% trong số hơn 3.300 ổ dịch cúm gia cầm trên toàn thế giới. Riêng ở nước ta, các ổ dịch cúm tại một số trại chăn nuôi gia cầm ở các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh vừa qua đã xác định do chủng H5N8 gây ra, là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chỉ đạo tất cả các địa phương cần tập trung ứng phó với khả năng dịch cúm gia cầm do chủng H5N8 lây lan trên phạm vi rộng; trong đó cần triệt để thực hiện tiêm phòng vaccine có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus H5N6 dựa trên trên cơ sở khuyến cáo của OIE chủng H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với chủng H5N6.

Với diễn tiến như trên đủ để tái khẳng định cúm gia cầm thực thụ vẫn còn đó là mối nguy rất lớn mà chưa thể xác định được tính chất nghiêm trọng của nó đến mức nào một khi chúng tự biến thể hay biến thể kết hợp để tăng độc lực và khả năng lây nhiễm. Vấn đề đáng được đề cập là trong bối cảnh như thế nhưng ở nhiều nơi, nhiều người chăn nuôi gia cầm và cả người tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc gia cầm lại đang có chiều hướng chủ quan xem nhẹ mối đe dọa từ dịch bệnh này. Hãy thử điểm lại một số thông tin cập nhật về tình hình dịch cúm gia cầm gần đây để cùng hiểu rõ hơn nếu như các giải pháp phòng dịch chỉ thực hiện rời rạc, đơn lẻ, thiếu đồng bộ thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho cúm gia cầm có cơ hội bùng phát như thế nào.

Trong thông báo gần nhất, OIE đã phát đi cảnh báo dịch cúm gia cầm ở châu Á và châu Âu đã gia tăng số lượng virus biến thể, nhất là các biến thể có độc lực cao được phân lập định danh ở các ổ dịch phát sinh từ cuối năm 2021 sang đầu năm 2022 dẫn đến hàng chục triệu đầu gia cầm phải tiêu hủy và chính phủ nhiều nước buộc phải ban hành quy định hạn chế buôn bán, nhập khẩu sản phẩm thịt và trứng gia cầm. Theo khảo sát, phân tích của OIE và các tổ chức thú y quốc gia, việc gây lây lan cúm gia cầm trên phạm vi rộng xuyên quốc gia là từ nguồn chim hoang dã, còn trong phạm vi hẹp chủ yếu giữa các cơ sở nuôi gia cầm thông qua các phương tiện trung gian nối kết tiếp xúc; trong đó, con người là một trong các yếu tố hàng đầu. Riêng với chiều hướng lây nhiễm sang người, nếu tính đến đầu năm 2022, thế giới ghi nhận đã có khoảng 850 người bị nhiễm với tỷ lệ tử vong là 50% trong tình trạng bệnh lý là hội chứng suy hô hấp cấp tính và viêm não. Những trường hợp người bị lây nhiễm và phát bệnh gần đây do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống tuy cũng chưa phải là nhiều nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ tử vong cao hơn so với trước, điều này được lý giải từ sự gia tăng độc lực của virus. Chính vì vậy, OIE nhấn mạnh khía cạnh phức tạp về các chủng virus trong mối liên quan tăng độc lực và khả năng lây lan sẽ đem đến những khó khăn trong hoạt động kiểm soát dịch và cũng không thể bỏ qua dự đoán không mong muốn là những biến thể mới tự thân virus hoặc biến thể kết hợp với virus gây bệnh cúm ở người để không chỉ mỗi đường lây nhiễm từ gia cầm sang người mà còn là từ người sang người!

Mối quan ngại về các trường hợp người bị lây nhiễm và tử vong có tâm điểm được OIE và WHO ghi nhận là ở Trung Quốc do từ năm 2014 đến nay Trung Quốc có tất cả 63 trường hợp người bị nhiễm virus H5N6 thì chỉ trong 6 tháng gần đây đã chiếm hơn một nửa trong số này. WHO cũng nhấn mạnh khía cạnh đáng lo để đưa ra cảnh báo cần "Hành động khẩn cấp" qua nhận định mặc dù số người nhiễm H5N6 tuy thấp hơn số người nhiễm H7N9 vào năm 2017 nhưng phần lớn người bệnh đều rơi vào tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn.

 1942022ga.png

Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học là biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm chủ động và hữu hiệu

Như vậy, có thể nói dịch cúm gia cầm vẫn hiển hiện và với các biến chủng mới còn làm gia tăng mức độ nguy hiểm, thế nên người chăn nuôi gia cầm và người tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc gia cầm rất cần biết và ghi nhớ để tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch mà chúng ta đã từng thực hiện có hiệu quả qua quá trình thực hành trong thực tế vừa qua. Cụ thể, các nhà chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và đưa các biện pháp này trở thành quy trình quản lý chăn nuôi gia cầm thường xuyên và ổn định; trong đó, các biện pháp cơ bản cần thực hiện triệt để bao gồm: Hạn chế việc ra vào khu vực chăn nuôi và có phương tiện sát trùng mỗi khi ra vào; Định kỳ sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; Luôn sử dụng trang phục bảo hộ dành riêng và sát trùng trong quá trình chăm sóc gia cầm; Tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đầy đủ và đúng kỳ hạn; Tuân thủ quy định lưu hành con giống và sản phẩm gia cầm; Khai báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ đàn gia cầm nhiễm bệnh cúm gia cầm và tuân thủ quy định xử lý của cơ quan chuyên môn. Đối với người tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc gia cầm cần tự bảo vệ bằng cách không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống, không tiêu thụ sản phẩm chưa được kiểm dịch.

Nếu như những biện pháp nêu trên được thực hiện rộng rãi trong giới chăn nuôi và cộng đồng người tiêu thụ sản phẩm gia cầm kết hợp với các chương trình phòng chống dịch trên diện rộng của Nhà nước thì cơ hội lây lan virus cúm gia cầm sẽ bị thu hẹp, khả năng biến chủng của virus giảm thấp, khi đó các thiệt hại về kinh tế và nguy cơ lây nhiễm sang người sẽ được ngăn chặn đến mức tối đa./.  

 

Lương Lễ Dũng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1