image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Một số yêu cầu cơ bản trong nuôi cá dứa

​   Cá Dứa (còn gọi là cá Tra bần) là một đối tượng thủy sản nuôi có tiềm năng kinh tế. Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện khô cá dứa là một loại đặc sản khá hấp dẫn khách du lịch, ở Cần Đước khô cá dứa có giá từ 400.000 - 500.000 đ/kg. Tuy nhiên, đa số nguồn nguyên liệu để chế biến khô cá dứa đều khai thác từ tự nhiên nên không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường.

   Nhằm đa dạng hoá đối tượng thủy sản ứng dụng vào sản xuất cho các xã nuôi tôm và cắt vụ nuôi tôm đối với những ao nhiễm mầm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp,… Bà con có thể chọn cá dứa để nuôi luân canh với tôm. Đây là đối tượng nuôi mới, do đó để đảm bảo nuôi cá dứa đạt hiệu quả, bà con cần lưu ý một số yêu cầu sau:

   Một là, cần chuẩn bị ao nuôi thật tốt

   Sau 2 - 3 vụ nuôi tôm nên để ao nghỉ, chuyển qua nuôi cá dứa. Trước mỗi vụ, ao nuôi cần được cải tạo, gia cố bờ, vét kỹ lớp bùn, bón vôi (300 - 500 kg/ha), phơi đáy ao.

   Diện tích thích hợp nuôi cá dứa từ 2.000 - 3.000 m2, ao quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá thương phẩm. Cá thích sống tầng đáy nên chỉ cần duy trì mức nước từ 1,2 - 1,5 m.

   Nước bơm vào ao phải qua túi lọc vải, diệt khuẩn, sau 3 ngày cấy men vi sinh và gây màu nước cho ao nuôi bằng phân vi sinh ... đến khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt tiến hành thả cá.

   Kiểm tra và điểu chỉnh các yếu tố môi trường trước khi thả như: độ mặn từ 3 - 15 ‰; pH từ 7,0 - 8,0;  nhiệt độ từ 26 – 32oC; oxy hòa tan từ 5 - 8 ppm.

   Cá rất háu ăn nên bố trí cầu cho ăn ở xa bờ, tạo điều kiện cho cá dễ tiếp cận thức ăn, ít bị phân đàn.

   Hai là, chọn và thả cá giống đúng yêu cầu kỹ thuật

   Thời điểm thả nuôi: nên thả vào mùa mưa, đến khi cá trưởng thành đã vào mùa nắng, độ mặn cao sẽ giúp hình dáng cá đẹp và chất lượng thịt cá ngon.

   Chọn cá giống có kích cỡ 4 - 6 cm/con (loại 25 - 40 con/kg) khỏe mạnh, không bị xây xát.

   Mật độ thả từ 1 - 2 con/m2 (nếu ao không có hệ thống quạt nước); mật độ từ 3 - 5 con/m2 (nếu ao có hệ thống quạt nước), cá phải được thuần hóa độ mặn trước khi thả nuôi và hạn chế thả cá giống khi thời tiết không thuận lợi.

   Ba là, thường xuyên theo dõi, chăm sóc, quản lý ao nuôi

   Quản lý thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 18 - 25% hoặc có thể chế biến thức ăn cho cá với công thức: cám gạo 60% + bột cá 30% + rau xanh 10%; các nguyên liệu xay nhuyễn trộn chất kết dính bột gòn, phơi khô. Cho cá ăn 2 lần lúc sáng và chiều mát, lượng thức ăn bằng 5 - 7% trọng lượng thân cá. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá.

   Quản lý môi trường: Cá chịu đựng kém trong môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp. Do vậy, người nuôi nên lắp đặt và vận hành hệ thống quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy cho cá sinh trưởng và phát triển tốt, bố trí khoảng 4 - 6 giàn/ha, mỗi giàn quạt từ 6 - 12 cánh. Cá càng lớn thời gian vận hành quạt càng nhiều.

   Định kỳ 10 ngày/lần sử dụng chế phẩm vi sinh, khoáng, vôi bón vào ao để ổn định chất lượng nước. Cá trên 3 tháng tuổi trở lên, thay nước từ 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần thay 30 - 50 % lượng nước trong ao.

   Bốn là, thu hoạch đúng độ tuổi

   Sau khi nuôi được 10 - 12 tháng, cá đạt trọng lượng 1 - 1,2 kg/con dùng lưới kéo để thu hoạch cá. Trước khi thu hoạch 15 ngày phải giảm lượng thức ăn  từ từ và ngưng cho ăn trước thu hoạch 3 ngày. Tỷ lệ sống trung bình khoảng 70%, năng suất khoảng 20 - 35 tấn/ha. /.​

Hồng Điệp/Trung tâm DVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1