image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Men vi sinh - một trong những giải pháp nuôi tôm an toàn sinh học

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai trên thế giới. Giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Để vượt qua các rào cản thương mại lớn, việc sản xuất tôm sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh là đòi hỏi cần thiết. Để đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giải pháp hữu hiệu là sử dụng men vi sinh (chế phẩm vi sinh) trong suốt quá trình nuôi để tạo ra sản phẩm tôm sạch và an toàn sinh học.

Men vi sinh là những sản phẩm chứa vi sinh vật hữu hiệu dùng để bổ sung vào thức ăn hoặc vào môi trường nước để phân giải thức ăn, chất thải và kiểm soát dịch bệnh. Các men vi sinh này được sản xuất từ các vi khuẩn có nguồn gốc từ tự nhiên. Men vi sinh được sản xuất dưới 02 dạng chính là dạng nước và dạng bột (dạng viên). Dạng bột thường có hàm lượng vi sinh vật cao hơn dạng nước. Thành phần của sản phẩm men vi sinh thường chứa các chủng vi sinh vật hữu ích, enzyme làm chất xúc tác phân giải hữu cơ và các chất dinh dưỡng để kích hoạt vi khuẩn sinh trưởng.

Khi sử dụng men vi sinh, người nuôi thường trộn vào thức ăn với liều lượng 05 gr hoặc 5 ml/kg thức ăn vào 02 cử/ngày. Các chủng men thường được cho vào thức ăn như: nhóm Bacillus subtilis,  Lactobacillus sp,… Khi thức ăn có chứa men vi sinh có lợi này được tôm ăn vào, chúng sẽ vào trong đường ruột tôm để ức chế sự phát triển của ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại. Chúng còn giúp ổn định pH đường ruột. Các sản phẩm sản sinh từ quá trình trao đổi chất của men vi sinh như: enzyme, acid lactic,... tạo ra môi trường bất lợi khiến các vi khuẩn gây bệnh kém phát triển nên hạn chế tôm nhiễm bệnh.

          Đối với môi trường, men vi sinh có tác dụng rõ rệt để cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Khi tạt men vi sinh xuống ao, các vi sinh vật có khả năng cải thiện chất lượng nước ao bằng cách cân bằng vi sinh vật có lợi, hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn và chất thải, ngăn chặn sự phát triển quá mức của tảo độc hại và duy trì môi trường nước ổn định. Các chủng thường thấy là: bacillus, rhodobacter sp, nitrobacter,... Để sử dụng men vi sinh có hiệu quả, đối với dạng bột thường pha với nước và tạt trực tiếp xuống ao từ 9 - 10 giờ sáng. Đối với men vi sinh dạng nước, người nuôi nên kích hoạt vi sinh (nhân sinh khối) với mật rỉ đường trước khi tạt xuống ao. Cách làm này giúp vi sinh được tăng sinh nhanh trước khi xuống ao và có tác dụng nhanh trong việc cải tạo môi trường ao nuôi.

Ngoài ra, một số chủng loại men cần phải có điều kiện tối ưu mới tồn tại trong ao. Một số dòng men khử khí độc như: Nitrosomonas, nitrobacter,… đòi hỏi phải có oxy cao và giá thể để chúng lưu trú. Do đó, để tăng tính hiệu quả khi sử dụng men vi sinh trong ao, người nuôi có thể treo một ít giá thể vi sinh sau dàn quạt để giúp men trú ngụ và làm tốt vai trò xử lý nước ao được hiệu quả hơn.

Với những đặc tính quan trọng mà men vi sinh mang lại, người nuôi nên thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học như là giải pháp hữu hiệu để hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất và kháng sinh, giúp tạo ra sản phẩm tôm sạch, an toàn và có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế./. 

Văn Dũng - TTDVNN

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1