image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Một số lưu ý trong ương nuôi cá tra từ giai đoạn cá bột lên cá giống

Trong thời gian gần đây, giá cá tra giống ở mức khá cao, lợi nhuận mang lại cho người ương cá giống lớn hơn nhiều lần so với trồng lúa. Vì thế, nhiều người trồng lúa ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đầu tư đào ao để ương cá tra giống, tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Hưng. Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa nắm vững kỹ thuật ương nuôi, nhất là vấn đề quản lý dịch bệnh có nhiều hộ bị thất thu năng suất do dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Để việc ương cá tra từ giai đoạn cá bột lên cá giống đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, chọn và chuẩn bị ao ương nuôi:

- Nên chọn ao gần đường giao thông, có nguồn nước tốt và chủ động trong việc cấp thoát nước. Diện tích ao phù hợp nhất từ 2.000 - 10.000 m2, độ sâu từ 1,5 - 2,5 m.

- Trước khi thả nuôi cần tháo cạn nước và hút bùn đáy (lớp bùn đáy khoảng 10 cm), dùng vôi bột (CaCO3) rải đều khắp đáy ao (từ 10 - 15 kg/100 m2).

- Sau đó tiến hành phơi đáy ao từ 2 - 3 ngày rồi cho nước vào ao qua túi lọc và lấy trứng nước còn sống (Moina) thả vào ao đang lọc nước (1kg trứng nước/ ha ao) để tạo thức ăn tự nhiên cho cá ở giai đoạn đầu. Bón từ 0,1 - 0,2 kg urê cho 100 m3 nước và dùng bột đậu nành hòa với nước rồi tạt đều xuống ao với liều lượng 0,5 kg/1.000 m2 ao, bổ sung thêm men vi sinh.

Hai là, tiến hành thả cá bột:

Cá bột phải được mua từ cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Cá bơi lội linh hoạt, không dị hình. Mật độ thả nuôi từ 500 - 1000 cá bột/m2 ao, nên thả cá bột vào buổi sáng (từ 8 - 10 giờ). Trước khi thả cá bột, cần ngâm bao chứa cá trong ao ương khoảng 10 phút để tránh cá bị "sốc nhiệt".

Thứ ba là, cho cá ăn

Việc cho cá ăn rất quan trọng, nhất là trong 2 tuần đầu tiên sau khi thả cá bột. Quy trình cho ăn cụ thể như sau (áp dụng cho 1.000 m2 số lượng 500.000 - 1.000.000 cá bột):

- Tuần thứ nhất: Cá bột sẽ ăn các loài thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao như trứng nước Moina, luân trùng,… đây là nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu, rất quan trọng cho sự phát triển của cá tra bột. Hằng ngày, dùng bột đậu nành pha với nước tạt xuống ao với liều lượng là: 250 - 300 g/lần, tạt 3 - 4 lần/ngày  hoặc các sản phẩm gây nuôi trứng nước có bán trên thị trường.

- Tuần thứ hai: Dùng 500g thức ăn công nghiệp dạng bột (40% protein) và 250g bột đậu nành hòa tan vào nước rồi tạt đều khắp ao, thực hiện 3 - 4 lần/ngày. Trong tuần này, cứ mỗi ngày tiếp theo tăng khoảng 15 - 20% lượng thức ăn so với ngày hôm trước.

- Tuần thứ ba: Cho cá ăn với thức ăn viên dạng nổi có cỡ 0,6 mm (40% protein), mỗi ngày cho ăn 3 - 4 lần. Lượng thức ăn cần điều chỉnh theo sức ăn thực tế của cá.

- Tuần thứ tư trở đi: Cho cá ăn bằng thức ăn viên dạng nổi có kích cỡ tăng dần: 0,8 mm; 1,0 mm; 1,5 mm (35% protein); 2,0 mm (30% protein). Khẩu phần ăn khoảng 6 - 10% trọng lượng cá trong ao, cho cá ăn 3 lần/ngày, cần theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn theo sức ăn thực tế của cá. Bổ sung thêm vitamin C, premix khoáng, men vi sinh, men tiêu hóa, sorbitol, β glucan để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Bốn là, chăm sóc:

- Duy trì chất lượng nước tốt, đảm bảo ổn định nhiệt độ, pH, DO để tránh gây sốc cho cá. Bắt đầu từ đầu tuần thứ ba trở đi, thực hiện thay nước đáy ao định kỳ 7 - 10 ngày thay 1 lần, mỗi lần thay khoảng 30 - 40% lượng nước ao.

- Quản lý địch hại trong ao ương cực kỳ quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống của cá. Địch hại của cá con rất đa dạng như nòng nọc ếch nhái, bọ gạo, bắp cày (ấu trùng của con cà niễng), cá dữ, rắn,... cần có biện pháp thu bắt, xua đuổi những loại địch hại này.

- Hằng ngày, cần theo dõi tình trạng hoạt động, ăn mồi của cá để có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp cá bị nhiễm bệnh.

Việc tăng ồ ạt diện tích ao ương nuôi cá tra giống tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do đầu ra không ổn định. Đồng thời, việc nuôi không theo quy hoạch, tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh nhiều. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả trước khi đầu tư nuôi, bà con phải tìm hiểu kỹ về đầu ra và nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi./.

Thanh Phượng/Trung tâm DVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1