image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tiếp Tục Duy Trì Mô Hình Điểm Sản Xuất Lúa Theo Hướng VietGAP
Xây dựng cánh đồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp nói chung, tỉnh Long An nói riêng, nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An luôn quan tâm hàng đầu đó là thực hiện Đề án “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000 ha trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có xây dựng “Mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP”.
anh tin bai

Hội nghị tổng kết mô hình

Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 vừa qua, TTDVNN tỉnh Long An đã phối hợp với TTDVNN huyện Vĩnh Hưng tiếp tục duy trì thực hiện “Mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP” - năm thứ 2 tại Hợp tác xã Công nghệ cao Khánh Hưng. Sau khoảng 3 tháng thực hiện, ngày 01/3/2024, TTDVNN Long An phối hợp với TTDVNN huyện Vĩnh Hưng tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thực hiện trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 tại nhà văn hóa ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Với hơn 47 đại biểu tham dự là đại diện TTDVNN Long An; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TTDVNN, Hội nông dân huyện Vĩnh Hưng; UBND và các đoàn thể xã Khánh Hưng cùng nông dân trồng lúa trong, ngoài mô hình đến tham dự.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ, chế phẩm phân hủy rơm rạ, phân đạm chậm tan, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học nhằm giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giúp giảm công lao động; giảm chi phí đầu vào, ổn định năng suất, tăng chất lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 30% các chi phí sản xuất như: lúa giống, chế phẩm phân hủy rơm rạ, phân đạm chậm tan, phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và thuê dịch vụ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái; đồng thời được TTDVNN tỉnh tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy rõ đã góp phần giảm chi phí sản xuất đầu vào và giúp tăng lợi nhuận 3.032.000 đồng/ha đối với giống ST25 và 3.818.000 đồng/ha đối với giống Đài thơm 8 so với ruộng lúa ngoài mô hình.

Trong buổi hội thảo nông dân tham gia mô hình có một số nhận xét đối các giải pháp áp dụng, cụ thể: về giống đạt chất lượng giống tốt, tỷ lệ nẩy mầm cao; về phân hữu cơ khi sử dụng đúng cách và liều lượng thì giúp bộ rễ phát triển tốt (nhiều, dài, trắng sáng,...), làm đất tơi xốp, thân mập, nở bụi, cho nhiều nhánh hữu hiệu, lá có màu xanh đọt chuối và xanh bền, hạn chế sâu bệnh hại; về phân đạm chậm tan khi sử dụng giúp lúa có màu xanh đầm, không phượt lá, thẳng đứng, dày lá; về thuốc bệnh sinh học có hiệu quả cao trong phòng bệnh hại; về thuốc sâu sinh học đạt hiệu quả cao trong phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục bẹ,...; về dịch vụ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái đáp ứng tốt yêu cầu thời gian phun, áp lực sâu bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Đồng thời, đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình ở năm sau, tức là năm thứ 3, mặc dù chính sách chỉ hỗ trợ 20% cho các giải pháp.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cùng chính quyền địa phương cũng có những chủ trương định hướng cho HTX công nghệ cao Khánh Hưng và nông dân tham gia mô hình nên tiếp tục duy trì áp dụng các giải pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn và sẽ là hạt nhân lan tỏa để nhân rộng diện tích trong vùng quy hoạch ứng dụng công nghệ cao, tạo ra cho thị trường lượng lúa hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu, qua đây cũng thể hiện tinh thần tập thể, hợp tác sản xuất cùng có lợi, vận động xuống giống đồng loạt làm giảm áp lực sâu bệnh hại trong vùng.

Riêng về phía TTDVNN tỉnh Long An thì có khuyến cáo nông dân khi tham gia mô hình nên thực hiện ghi chép sổ nhật ký đầy đủ nhằm giúp nông dân theo dõi đánh giá được hiệu quả sản xuất; Thường xuyên thăm đồng để tránh trường hợp phun thuốc trừ sâu sớm và phun phòng ngừa; Nông dân mạnh dạn giảm giống xuống 80 kg/ha, khi các điều kiện đáp ứng theo yêu cầu (mặt bằng, quản lý nước tốt nhằm khống chế cỏ dại, ốc bươu vàng,…); Duy trì sử dụng phân tiết giảm đạm (ure chậm tan), thuốc BVTV sinh học ở các vụ tiếp theo; Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm phân hủy rơm rạ nhằm cải tạo đất và giảm phân hóa học. Nông dân tham gia mô hình nên tiếp tục duy trì áp dụng các giải pháp là hạt nhân lan tỏa nhân rộng diện tích trong vùng quy hoạch ứng dụng công nghệ cao, cơ sở để thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao sắp tới.

anh tin bai

Mô hình điểm sản xuất lúa theo VietGAP ở huyện Vĩnh Hưng

Thông qua mô hình góp phần tạo động lực thúc đẩy người trồng lúa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Việc xây dựng mô hình gắn kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, hướng đến bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa, chung tay tiêu thụ sản phẩm lúa sạch cho nông dân. Từ đó giúp đầu ra ổn định, nông dân yên tâm sản xuất, thúc đẩy mở rộng mô hình nhiều hơn cho nông dân ngoài mô hình./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1