image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Long An tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Tràm

​   Long An là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tổng diện tích tự nhiên 449.494,05 ha, diện tích rừng 24.986 ha tập trung chủ yếu khu vực Đồng Tháp Mười, loài cây chủ yếu là cây Tràm (Melaleuca cajuputi).

   Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Do mùa khô kéo dài và các kênh rạch thường cạn kiệt vào mùa này nên nguy cơ đe dọa cháy rừng rất cao, phức tạp nếu không có biện pháp phòng chống tốt.

Rung Tram tai Lang Sen - anh Linh Nguyen.JPG

Rừng tràm trên vùng Đất ngập nước Láng Sen - ảnh Linh Nguyễn 

   Được sự quan tâm của UBND tỉnh Long An, chính quyền ở các địa phương có rừng quan tâm thực hiện nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy đã đạt được kết quả nhất định. Số vụ cháy rừng giảm so với các năm trước, nhiều vụ mới cháy đã được ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

   Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, khó khăn: Hầu hết diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân nên khó giữ ổn định, nhiều hộ dân tự phát chuyển đổi từ trồng tràm sang trồng cây nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này đã làm cho diện tích rừng tập trung của tỉnh có sự giảm sút, ảnh hưởng đến độ che phủ rừng trên địa bàn của tỉnh; sản xuất lâm nghiệp chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; kết cấu hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đồng bộ; chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế nghề rừng; việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cho lĩnh vực lâm nghiệp chưa được chú trọng; thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; công tác xã hội hóa nghề rừng còn nhiều hạn chế.

Mot goc nhin Lang Sen-anh Linh Nguyen.JPG

Một góc Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen - ảnh Linh Nguyễn 

   Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khắc phục những tồn tại và khó khăn trên. Tỉnh ủy Long An ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 05/6/2017 thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng", xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, có sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh ủy đã đề ra một số mục tiêu một cách cụ thể, rõ ràng:  

   Thứ nhất Quản lý, bảo vệ, giữ vững, sử dụng bền vững hiệu quả 25.000 ha rừng tập trung, đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển rừng, trồng cây phân tán. Phấn đấu đến năm 2020, phát triển 248 triệu cây phân tán đưa độ che phủ của rừng tập trung và cây phân tán đạt 11,07% góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chống sạt lỡ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

   Thứ hai Nâng cao năng suất chất lượng rừng, đa dạng hệ sinh thái, làm giàu từ rừng gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đa dạng sản phẩm và dịch vụ từ rừng, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng.

   Thứ ba Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, xây dựng lực lượng Kiểm lâm đủ năng lực chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

   Và một điều vui mừng hơn nữa là vừa qua, UBND tỉnh Long An đã ký Quyết định xác lập hai khu rừng đặc dụng là Khu bảo tồn đa dạng sinh học – cây dược liệu Đồng Tháp Mười tại Quyết định số 4015/QĐ-UBND ngày 03/11/2017 với mục tiêu Bảo tồn, nghiên cứu, phát triển các loài dược liệu truyền thống của vùng Đồng Tháp Mười. Bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập nước đặc thù, nơi cư ngụ của các loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm… và Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen tại Quyết định số 4016/QĐ-UBND ngày 03/11/2017 với mục tiêu Quản lý, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển du lịch sinh thái trong vùng trên cơ sở khai thác tiềm năng đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, các danh thắng lịch sử - tín ngưỡng, bản sắc văn hóa bản địa trong vùng… Và hiện nay Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới./.

Đỗ Thị Đậm - Chi cục Kiểm lâm
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1