image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tìm hiểu về ruồi lính đen

Ruồi lính đen (Black Soldier Fly - BSF) có tên khoa học là Hermetia Illucens với nguồn gốc xuất xứ từ vùng Trung và Nam Mỹ. Qua hoạt động phát triển ứng dụng, Ruồi lính đen (RLĐ) đã dịch chuyển đến nhiều nơi để đến này hầu như có mặt ở tất cả các nước trên thế giới. Riêng ở Á Châu; Hàn Quốc và Nhật là các nước đi đầu trong việc nuôi ruồi lính đen để xử lý chất thải và tạo nguồn nguyên liệu đạm cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

RLĐ thích hợp môi trường vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nhiều sáng, ẩm độ cao và có khung nhiệt độ thường xuyên từ 24 - 40 độ C để có thể đẻ trứng quanh năm. Khí hậu lạnh ít phù hợp với RLĐ, tuy nhiên chúng vẫn có thể phát triển trong môi trường chất thải được ủ sinh nhiệt đủ điều kiện cho chúng có thể sinh sản.  

Ruồi lính đen (RLĐ) trưởng thành có chiều dài trung bình khoảng 1,6 cm (1,2 cm - 2,0 cm) với phần lớn bộ phận trên thân mang màu đen, phần ngực có màu chuyển đổi từ xanh dương đến xanh lá ánh sắc kim loại, một số con ở phần bụng ngã sang màu hơi đỏ. Riêng phần cuối bụng của ruồi cái có một vùng trong mờ. Ruồi có phần đầu rộng, đôi mắt to, râu dài gấp đôi phần đầu, các chân màu đen với phần dưới ngã trắng, các cánh dạng màng khi không bay xếp gối lên nhau và sát với thân. Ấu trùng ruồi lính đen có thể phân biệt với ấu trùng ruồi xanh và ruồi nhà qua đặc điểm kích cỡ lớn hơn và có một vệt mỏng màu xám đen ở phần cuối thân.

 05052022_rld1.png

RLĐ có đặc tính sống theo bầy và thành từng nhóm theo kích cỡ. Khi bay chúng tạo ra âm thanh đục tương tự như loài ong. Ruồi cái trưởng thành đẻ mỗi lứa khoảng 320 đến 640 trứng. Trứng được đẻ trong những kẽ hở hoặc trên các rãnh bề mặt chất hữu cơ hoai mục và nở thành ấu trùng sau khoảng 4 ngày. Ấu trùng mới nở có chiều dài khoảng 1 mm và phát triển chiều dài đến khoảng 25 mm vào thời điểm cuối để chuyển sang nhộng. Ấu trùng hoàn tất chu trình chuyển hóa của chúng qua 6 mốc phát triển liên quan đến việc thay đổi màu sắc từ trắng ngà sang nâu rồi đen sẩm; trong đó mốc sau cùng được gọi là "tiền nhộng", lúc này chúng ngừng ăn và di chuyển đến các nơi mát, tối và khô để hóa nhộng. Ấu trùng ở giai đoạn "tiền nhộng" và nhộng được xem là thời điểm thu hoạch thích hợp vì vào lúc này chất đạm và chất béo được tích lũy ở mức cao nhất (30-48% đạm thô và 12-20% chất béo). Các loại hầm, thùng nuôi RLĐ thường được thiết kế có những đoạn dốc hoặc lỗ ổ bờ cạnh để ấu trùng "tiền nhộng" và nhộng bò ra ngoài và rơi vào khu vực thu hoạch. 

 05052022_rld2.png

Ấu trùng RLĐ có thể lấy thức ăn ở bất kỳ dạng chất hữu cơ nào, do đó các loại chất thải như phân tươi, thức ăn dư thừa, xác bả thực vật đều thích hợp làm môi trường nuôi; tuy nhiên số lượng và chất lượng hợp chất hữu cơ có ảnh hưởng đến thời gian hoàn tất thời kỳ hóa nhộng, nhanh nhất là 18 ngày và chậm nhất là 36 ngày; trong đó, thời gian chuẩn bị bước hóa nhộng chiếm khoảng 7 ngày. Tương tự, chiều dài của ấu trùng cũng có thể bị trì hoản trong điều kiện thiếu thức ăn hoặc thời tiết quá lạnh. Giai đoạn phát triển nhộng có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày rồi chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Ruồi trưởng thành có thời gian sống ngắn, chỉ khoảng 7-9 ngày để giao phối và đẻ trứng. Thời gian này có thể kéo dài hơn một ít trong trường hợp nuôi nhốt có cung cấp đầy đủ nguồn đường hoặc trong tự nhiên khi sinh sống ở nơi có nhiều mật hoa. Công việc quản lý và thu hoạch ấu trùng khi nuôi RLĐ rất thuận tiện do RLĐ trưởng thành có đặc điểm bảo toàn năng lượng tự nhiên nên không di chuyển xa rộng như ruồi nhà. Hơn nữa, chúng cũng không bẩn, không cắn, không chích mà hầu như chỉ có mỗi cách phản ứng là ẩn trốn.

Ấu trùng RLĐ và RLĐ trưởng thành đã được xác định không phải là côn trùng gây hại; thay vào đó chúng còn được xem là đối tượng hữu ích tương tự như các loại trùn đất trong việc góp phần phân giải các chất hữu cơ và cung cấp trở lại các chất dinh dưỡng cho đất; đặc biệt ấu trùng rất phù hợp sử dụng như phương tiện phân giải các chất thải hữu cơ từ rác sinh hoạt và phế phẩm nông nghiệp để làm phân compost. Đồng thời, việc phát triển quẩn thể ấu trùng với nguồn thức ăn là chất thải hữu cơ còn là cách thức tái tạo nguồn nguyên liệu đạm dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Cần nói thêm, ấu trùng RLĐ có khả năng làm giảm rất nhanh khối lượng chất thải theo cơ chế hoạt động cộng sinh/hổ sinh tạo khí CO2, chúng có thể hóa giải các chất hữu cơ độc hại chỉ trong vòng 24 giờ.và loại bỏ đáng kể một lượng kim loại nặng trong chất thải. Ngoài nguồn đạm có trong cơ thể ấu trùng, viên phân ấu trùng không có mùi hôi cũng được xem là một nguồn dưỡng chất dùng chế biến phân hữu cơ.  

Ấu trùng RLĐ được phát triển thành loại thức ăn đầu tiên dành cho thú kiểng bởi D. Craig Sheppard với thương hiệu "Phoenix Worms" (Trùn Phượng Hoàng) vào năm 2006 tại thị trường nước Mỹ, sau đó phát triển thêm các thương hiệu như: NutriGrubs, Soldier Grubs, Reptiworms, Calciworms, BIOgrubs, Obie's Worms, Beardie Grubs, ProtiCycle ở Canada, Úc … và mở rộng thêm đối tượng sử dụng là gia cầm, heo, cá rô phi, cá da trơn … 

Ngoài mục tiêu sử dụng chính là xử lý chất thải và sản xuất chất đạm, RLĐ còn được khai thác theo nhiều hướng khác như: Dùng ngăn cản sự sinh sôi gây tác hại lây truyền bệnh và mùi hôi thối từ ruồi nhà, ruồi xanh vì ấu trùng RLĐ với kích cỡ lớn có thể ăn cả trứng, ấu trùng ruồi nhà, ruồi xanh khi các loại ruồi này tìm nơi có chất hữu cơ để đẻ trứng. RLĐ không có đặc tính phun ngược trở ra men tiêu hóa khi lấy thức ăn như ruồi nhà nên không gây lây truyền bệnh, hơn nữa RLĐ cũng không di chuyển đến nơi ở của người và nơi chứa thực phẩm, nhất là ruồi cái đang mang trứng chỉ tập trung vào môi trường thức ăn đã khởi sự phân hủy hoặc phân. Người ta cũng tìm thấy nơi RLĐ đặc tính đối kháng với 2 loại vi khuẩn có hại là E.coli và Salmonella enterica thường có nhiều trong phân. Trong công nghiệp dược phẩm, ấu trùng RLĐ có thể được dùng làm nguyên liệu làm kem bôi da, sữa tắm thay thế các loại dầu thực vật hoặc khai thác RLĐ trưởng thành để chiết xuất thu chất Chitin.

Ở Long An, hoạt động khảo nghiệm đầu tiên về tính năng của RLĐ trong việc xử lý chất thải sinh hoạt qua thùng chứa rác thải quy mô gia đình đã được Trung tâm Khuyến nông cộng tác thực hiện với Đại học Nông Lâm Tp.HCM vào năm 1996 rồi đến thử nghiệm sản xuất ấu trùng làm thức ăn cho cá do Trung tâm Thủy sản thực hiện vào năm 2003. Từ đó đến nay, nhiều mô hình xử lý chất thải bằng RLĐ đã được áp dụng ở một số tỉnh, thành trong nước cùng với một số hoạt động nghiên cứu RLĐ theo hướng khai thác khả năng tạo nguồn thực liệu giàu đạm cho công nghiệp chế biến thức ăn vật nuôi. Và từ năm 2022, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng về RLĐ tiếp tục có bước phát triển rộng hơn nữa; trong đó, Long An sẽ là một trong các địa điểm xây dựng mô hình sử dụng RLĐ cho cả 2 mục tiêu xử lý chất thải và sản xuất nguồn thức ăn giàu đạm cho chăn nuôi và thủy sản thông qua một dự án hợp tác quốc tế phát triển ứng dụng RLĐ được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học và Công nghệ - Đại học Nông Lâm Tp.HCM./.     

Lương Lễ Dũng

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1