image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Phòng trị rối loạn tiêu hóa trên bò, trâu, dê

Trong chăn nuôi bò, trâu và dê thì hiện tượng rối loạn tiêu hóa thể hiện ở dạng không tiêu hoặc chướng hơi sình bụng là khá phổ biến do đặc điểm riêng về cấu tạo và sinh lý bộ máy tiêu hóa của nhóm gia súc nhai lại này. Rối loạn tiêu hóa dù ở dạng không tiêu mức độ nhẹ đi nữa vẫn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của vật nuôi, còn trong trường hợp nặng là chướng hơi thì có thể dẫn đến tử vong.

Như đã biết, dạ cỏ của gia súc nhai lại là một bộ phận rất đặc biệt do là nơi sinh sống của hệ vi sinh vật tự nhiên có khả năng phân giải thức ăn vật nuôi lấy vào như một quá trình lên men và khi đã gọi là lên men thì có sự sinh hơi (chủ yếu là khí mê-tan CH4), chính vì vậy bò, trâu, dê đều có đặc điểm là ợ hơi để thoát khí này ra ngoài trong lúc nhai lại thức ăn từ dạ dày đưa trở lên miệng. Diễn tiến tiêu hóa như trên sẽ gặp trở ngại nếu có yếu tố bất thường nào đó tác động vào, như trường hợp bò, trâu, dê ăn nhiều cỏ quá ướt, uống nước bẩn, thức ăn bị mốc hay có chứa độc tố và trong một số trường hợp thay đổi thành phần thức ăn đột ngột cũng gây ra rối loạn tiêu hóa; khi đó bộ máy tiêu hóa sẽ phản ứng theo dạng trì trệ hoạt động mà chủ yếu là suy giảm nhu động của dạ cỏ làm thức ăn tích tụ lại lâu hơn bình thường, khí sinh ra nhiều nhưng không ợ hơi thoát ra ngoài được; đồng thời lúc này bọt khí cũng che lấp lỗ thượng vị là nơi tiếp giáp giữa dạ cỏ với thực quản làm thức ăn khó đưa trở lên miệng để nhai lại, sự sinh hơi càng lúc càng nhiều và ứ lại trong dạ cỏ sẽ gây căng phồng dạ cỏ nên gọi là chướng hơi!  

Nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa hay chướng hơi bắt nguồn từ tính chất thức ăn; tuy nhiên trong thực tế thì ở những nơi chăn nuôi thường xuyên ẩm thấp, dơ bẩn, nuôi thả rong hoặc bò, trâu, dê mắc phải một số bệnh như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì cũng hay có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, chướng hơi dạ cỏ.

Hiện tượng không tiêu hay có thể gọi là rối loạn tiêu hóa ở thể nhẹ thường gặp ở bò sữa nuôi với khẩu phần có quá nhiều thức ăn tinh hoặc phụ phẩm nông nghiệp và cũng thường gặp ở dê. Ở thể này, vật nuôi có các biểu hiện: ăn ít đến bỏ ăn, giảm hoặc không nhai lại, một số trường hợp nôn ra thức ăn chua, hõm hông trái phình to, ấn tay vào thấy chắc cứng và để lại vết lõm khi rút tay lại. Nếu không can thiệp sẽ phát triển sang dạng chướng hơi và có thể bị viêm ruột, tiêu chảy.

Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu không tiêu cần can thiệp sớm để tránh  chuyển sang dạng chướng hơi bằng cách: Tạm thời cho giảm ăn hoặc nhịn ăn trong 1 - 2 ngày, chỉ cho uống nước ấm có pha muối hoặc uống nước pha oresol (nước biển nhân tạo) kết hợp với uống thuốc tiêu bi-các-bô-nát-đờ-sút NaHCO3 (pha khoảng 2 muỗng canh với 1 - 2 lít nước đun sôi để nguội, uống 2 lần trong ngày cho 1 trâu hoặc bò, đối với dê thì khoảng 1 muỗng cà-phê pha 0,2 - 0,3 lít nước). Kinh nghiệm dân gian dùng 1 nắm lớn lá tía tô giả nát với một ít muối ăn cho vào 50 - 100 cc nước đun sôi để nguội cho uống cũng có hiệu quả tốt.

Nếu đã xử lý bằng các biện pháp nêu trên vẫn chưa làm cho bò, trâu, dê ợ hơi trở lại bình thường thì cho uống sun-phát-ma-nhê MgSO4 hoặc sun-phát-na-tri Na2SO4 kết hợp dùng nùi rơm hoặc giẻ bọc muối rang chà xát liên tục ở phần hông trái và tiêm Pilocarpine 3% hoặc Strychnin B để kích thích dạ cỏ co bóp kết hợp với dẫn bò, trâu, dê đi lại, không để đứng yên quá lâu tại một chỗ. Nếu có điều kiện nên gọi nhân viên thú y đến đặt ống thông để bơm nước rửa dạ cỏ đẩy thức ăn chua ra ngoài.  

Thể rối loạn tiêu hóa không tiêu nếu không xử lý sớm sẽ chuyển sang dạng chướng hơi, lúc này thức ăn lên men sinh hơi tích lại trong dạ cỏ quá nhiều nên làm cho toàn phần bụng bên trái phình to, gõ lên thành bụng phát ra tiếng kêu như gõ trống, phần hõm hông trái có thể phồng cao hơn cả sống lưng. Đến lúc này thì hầu như vật nuôi không còn thể nhai lại, luôn quay đầu về phía bụng trái do tức hơi và đau tại đây, dạ cỏ tích hơi quá mức sẽ ép lên phần ngực và làm cho bò, trâu, dê thở dồn dập vì bị ngạt, niêm mạc mí mắt tím tái do thiếu dưỡng khí, mắt trợn ngược, co giật và có thể chết rất nhanh.

Chướng hơi có thể gây chết cấp kỳ nên bắt buộc phải dùng cùng lúc các biện pháp cấp thời để nhanh chóng cho khí trong dạ cỏ thoát ra ngoài. Biện pháp trước tiên là cho bò, trâu, dê đứng trên nền dốc để phần thân trước cao hơn phần thân sau nhằm tránh áp lực của dạ cỏ đè lên tim, phổi rồi tiến hành chọc ống thông hơi vào dạ cỏ qua hõm hông trái để hơi trong dạ cỏ thoát trực tiếp ra đường này, dụng cụ chuyên dùng để thông hơi dạ cỏ được gọi là ống trocart, nếu không có ống trocart có thể dùng cây tre nhỏ vát nhọn để thay thế. Trước khi chọc ống trocart cần dùng dao lam cạo phần lông ở hõm hông trái, sát trùng rồi dùng dao rạch thủng một đường nhỏ để có thể đâm ống thông qua da, thịt vào đến dạ cỏ khoảng 5 - 10 cm; sau đó mở từ từ đầu ống để khí trong dạ cỏ thoát dần ra ngoài rồi mới mở hẳn để tránh khí thoát ra đột ngột quá mạnh có thể gây sốc. Khí ứ trong dạ cỏ bị chướng rất nhiều nên thời gian thoát ra ngoài sẽ kéo dài; vì vậy, cần giữ cố định ống trocart ở hõm hông khoảng 1 ngày để khí thoát hết ra ngoài. Trong lúc này cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ thoát hơi như: chà xát liên tục phần bụng và hông trái bằng nùi rơm hoặc giẻ bọc muối rang, cho uống MgSO4 hoặc Na2SO4, tiêm Pilocarpine hoặc Strychnin B như đã nêu ở phần trên. Khi thoát được hơi ra ngoài, vật nuôi sẽ mau chóng hồi sức; khi đó có thể rút ống thông và sát trùng nơi chọc ống bằng cồn i-ốt và tiêm thêm kháng sinh để ngừa nhiễm trùng, trong 1 - 2 ngày sau đó chỉ nên cho ăn cỏ khô sạch và nước ấm pha một ít muối.

 Vị trí thông hơi dạ cỏ bằng ống trocart.jpg

Như đã đề cập, phần lớn bò, trâu, dê gặp chứng không tiêu và chướng hơi bắt nguồn từ nguyên nhân tính chất thức ăn và cách cho ăn; do vậy, cần cẩn thận không để bò, trâu, dê ăn các loại cỏ quá ướt, cỏ xấu, thức ăn tinh bị mốc, lên men và cũng không nên thay đổi đột ngột thành phần thức ăn. Dù sao thì trong thực tế không phải lúc nào người nuôi cũng đảm bảo quản lý sử dụng thức ăn được tốt như mong muốn nên vẫn cần thường xuyên theo dõi trạng thái sức khỏe, các biểu hiện của vật nuôi và tốt hơn nữa là chuẩn bị sẵn các phương tiện, dụng cụ để có thể can thiệp sớm ngay khi bò, trâu, dê có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa./.

 Lương Lễ Dũng

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1