image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Men tiêu hóa và cách sử dụng phù hợp trong chăn nuôi

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi ở nước ta đã ứng dụng nhiều công nghệ tiến tiến trên các lĩnh vực giống, dinh dưỡng, thú y,…; trong đó, giải pháp sử dụng các chế phẩm bổ trợ tiêu hóa nhằm nâng cao hiệu quả hấp thụ thức ăn của vật nuôi mà giới chăn nuôi quen gọi là men tiêu hóa (digestive enzym) là một trong các công nghệ đem lại hiệu quả rõ rệt. Dù vậy, sự nhận biết đầy đủ về cơ chế tác dụng và cách sử dụng men tiêu hóa sao cho phù hợp để đạt kết quả tốt nhất so với chi phí bỏ ra thì trong thực tế vẫn còn không ít người chăn nuôi chưa rõ.

Trước tiên, chúng ta cần biết chế phẩm men tiêu hóa đã được chọn lọc đưa vào ứng dụng trong chăn nuôi (và cả dinh dưỡng trên người). Hiện nay, có khá nhiều, phổ biến là các loại men: Amylase, Pepsinase, Lypase, Phytase, β-Mannase, β-Glucanase, Menamylase, DDGS, CYC-100… có tác dụng thúc đẩy nhanh và triệt để sự phân giải các chất tinh bột, đạm, béo, xơ, phytase… có trong thức ăn, nhất là thức ăn dành cho gia súc, gia cầm ở lứa tuổi nhỏ cần hấp thu được nhiều dưỡng chất để mau lớn.

Trong ứng dụng thực tế, có 2 cách cung cấp men tiêu hóa hoặc trộn trực tiếp men vào thức ăn hoặc gián tiếp sử dụng chế phẩm chứa các loại vi sinh có khả năng tiết ra các loại men; do đó, có sự khác biệt nhất định về cách sử dụng. Cụ thể các chế phẩm chứa men tiêu hóa tạo tác dụng thúc đẩy phân giải thức ăn chủ yếu ở dạ dày và ruột non, còn các chế phẩm chứa vi sinh (phổ biến là các loại vi khuẩn Lactobacillus sporogenes, Bacillus subtilis, Clostridium butyricum, nhóm nấm Sacchromycetaceae ...) sẽ tiết ra men phân giải thức ăn chủ yếu ở ruột non và ruột già. Ngoài ra, các loại chế phẩm vi sinh còn có tác dụng hữu ích khác là kích thích tế bào niêm mạc ruột sản sinh kháng thể giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng và cạnh tranh với các loại vi khuẩn có hại bám vào niêm mạc ruột nên còn được dùng kết hợp trong quá trình điều trị vật nuôi bị tiêu chảy.

Về tự nhiên, cơ thể vật nuôi tự tiết ra các loại men tiêu hóa từ các tuyến trong đường tiêu hóa trải dài từ miệng đến dạ dày và đoạn cuối ruột non để thấm vào thức ăn và cắt rã, phân giải thức ăn thành dạng nhủ tương, là dạng cơ lý mà nhung mao ruột có thể hấp thu, như men amylase phân giải các chất tinh bột, men pepsin liên quan đến tiêu hóa đạm, men lipase tiêu hóa chất béo… Ngoài ra, men tiêu hóa còn có tác dụng làm giảm độ nhờn của thức ăn khi đến phần ruột nên giúp phân hủy các thành phần thức ăn khó tiêu và phóng thích các chất bị kết dính, điển hình như chất xơ rất cần có men cellulase để phân giải hoặc chất khoáng phốt-pho (lân) thường bị liên kết ở dạng axít phytic vật nuôi không thể hấp thu nếu không có men phytase cắt đứt mối liên kết này.

Như đã đề cập, cơ thể vật nuôi tự tạo ra các loại men tiêu hóa; bên cạnh đó, phần lớn các nơi sản xuất thức ăn công nghiệp đều ít nhiều có bổ sung các loại men tiêu hóa vào thành phần thực liệu phối trộn nên tựu chung chúng ta không cần thiết phải sử dụng thường xuyên trong quá trình chăn nuôi, riêng các trường hợp chăn nuôi trâu, bò sử dụng nhiều phụ phẩm nông nghiệp thì có thể định kỳ bổ sung các loại men cellulose và phytase hoặc các chế phẩm vi sinh để giúp tiêu hóa tốt chất xơ. Như vậy, về cơ bản chỉ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ổn định thì sẽ không phải sử dụng thường xuyên chế phẩm men tiêu hóa hoặc vi sinh.

Chế phẩm chứa men tiêu hóa hoặc chế phẩm vi sinh chỉ nên sử dụng trong các trường hợp sau: Bổ sung theo định kỳ liên tục khoảng 1 tuần rồi ngưng 1 tuần cho vật nuôi giai đoạn tuổi nhỏ, vì lúc này các tuyến tiết men tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ, bổ sung cho vật nuôi giai đoạn vỗ béo cho vật nuôi gầy yếu do suy dinh dưỡng và những lúc vật nuôi bị đầy hơi khó tiêu, tiêu chảy và giai đoạn hồi sức sau khi điều trị bệnh. Cần lưu ý thêm, nếu lạm dụng quá thường xuyên chế phẩm men tiêu hóa có thể làm cho các tuyến tiêu hóa của vật nuôi bị teo lại, giảm khả năng tự sinh men.

Sử dụng các loại chế phẩm men tiêu hóa đã được khẳng định về mặt hiệu quả đem lại trong chăn nuôi; tuy nhiên cần sử dụng đúng cách để giúp cho vật nuôi tăng trưởng, sinh sản tốt và tránh được việc tăng chi phí không hữu ích, vô tình làm giảm lợi nhuận./.

Lương Lễ Dũng

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1