image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp - Giải pháp canh tác lúa hiệu quả và bền vững

Cây lúa là một trong số những cây trồng chủ lực của tỉnh Long An. Hiện nay, việc đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa nhằm giúp cho nông dân sản xuất lúa vừa cải thiện được năng suất chất lượng, vừa nâng cao hiệu quả và vừa góp phần tạo nên tính bền vững trong canh tác lúa là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh sản xuất lúa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá vật tư nông nghiệp đã và đang tăng cao. Do đó, trong vụ Hè-Thu 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An phối hợp với TTDVNN các huyện Đức Huệ, Đức Hòa và Tân Trụ triển khai thực hiện mô hình trình diễn "Ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp trong canh tác lúa" nhằm đưa các yếu tố kỹ thuật từ giống, phân bón, quản lý nước tưới, quản lý dịch hại,… áp dụng vào quy trình canh tác. Hiệu quả của mô hình là cơ sở khuyến cáo trong sản xuất lúa đến với người nông dân tại các địa bàn trong tỉnh Long An.

Mỗi mô hình có diện tích từ 0,5 đến dưới 01 ha. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí sản xuất bao gồm: giống lúa cấp xác nhận với định mức 100 kg/ha và vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV sinh học,…). Đồng thời, nông dân đối ứng 50% chi phí còn lại để đảm bảo mô hình được thực hiện thành công. Địa điểm thực hiện các mô hình đại diện cho vùng sản xuất lúa tại địa phương trong tỉnh Long An. Các yếu tố kỹ thuật được áp dụng trong mô hình như sau: sử dụng giống lúa cấp xác nhận với mật độ gieo sạ được khuyến cáo 100 kg/ha; sử dụng phân hữu cơ sinh học để bón lót; thăm đồng thường xuyên và áp dụng biện pháp IPM trong việc quản lý phòng trừ dịch hại, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; áp dụng rút nước giữa vụ vào cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa và 10 ngày trước khi thu hoạch; nông dân thực hiện mô hình ghi chép nhật ký canh tác để tính hiệu quả trong sản xuất lúa. Mô hình được lấy chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và dịch hại ở các thời điểm 10, 20, 30, 60 ngày sau sạ và trước thu hoạch nhằm đánh giá hiệu quả của Quy trình kỹ thuật áp dụng.

16112023_l1.png 

Lúa 30 ngày sau sạ

Sau 04 tháng thực hiện, kết quả từ 3 mô hình cho thấy: tổng chi phí đầu tư cho sản xuất lúa của dao động từ 14.797.500 - 19.960.000 đồng/ha (Chi phí này thấp hơn so với chi phí của các ruộng đối chứng từ 870.000 - 2.190.000 đồng/ha); Năng suất dao động từ 5,2 - 6,1 tấn/ha (năng suất của các ruộng mô hình từ bằng hoặc cao hơn ruộng đối chứng từ 0,36 đến 0,45 tấn/ha); Lợi nhuận của mô hình cao hơn từ 1.387.500 - 6.440.000 đồng/ha so với đối chứng.

 16112023_l2.png

Hội thảo tổng kết mô hình tại huyện Đức Huệ

Theo Ông Cao Hoàng Anh - nông dân thực hiện mô hình tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ chia sẻ tại hội thảo: Trước đây, trong canh tác lúa tôi gieo sạ với lượng giống 150 kg/ha; Đối với việc bón phân, tôi bón kết hợp giữa phân đơn (Urea, KCl,...) với phân hỗn hợp (NPK 20-20-15) và bón 03 đợt phân vô cơ. Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình kỹ thuật do Trung tâm DVNN tỉnh Long An và sau những lần  thăm đồng, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của cây lúa cùng với các lần lấy chỉ tiêu của cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình, tôi thật sự thấy rõ được hiệu quả của mô hình này. Quy trình kỹ thuật của mô hình "Ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp trong canh tác lúa" rất dễ áp dụng và tôi sẽ mạnh dạn áp dụng Quy trình này trong thời gian tới.

Với mô hình tại xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa do Ông Phan Văn Giàu thực hiện, có nhận xét: Đất ruộng trình diễn của tôi khá xấu do đất bị nhiễm phèn và đã lấy lớp đất mặt nên đất nghèo dinh dưỡng nên thời gian qua, thỉnh thoảng tôi có sử dụng phân lân nung chảy để bón lót vào vụ Hè Thu và thường sử dụng phân đơn (Urea, Kali) kết hợp với phân hỗn hợp (DAP, NPK 20-20-15, NPK 16-18-8, Đầu Trâu A2,…) và chưa sử dụng phân hữu cơ để bón lót cho cây lúa; Ông còn chia sẻ thêm "Ruộng trình diễn lấy mất lớp đất mặt và ruộng đối chứng không lấy lớp đất mặt, nên độ màu mỡ của 02 ruộng khác nhau. Tuy nhiên, tôi nhận thấy khả năng đẻ nhánh và phát triển của cây lúa ở ruộng mô hình khá tốt, tương đương với đối chứng. Mặc dù ruộng mô hình chỉ bón 02 đợt phân nhưng màu sắc lá lúa vẫn tương đương với ở ruộng đối chứng bón 03 đợt phân; bộ rễ lúa trắng, khỏe, phát triển mạnh và nhiều rễ non. Còn bộ rễ lúa ở ruộng đối chứng dài nhưng ít rễ non và rễ ngã vàng. Điều này cho thấy rõ hiệu quả của việc giảm giống và sử dụng các loại phân bón trong quy trình này.

 16112023_l3.png

Mô hình trình diễn "Ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp trong canh tác lúa" ở huyện Đức Hòa

Nhìn chung mô hình được nông dân ở các địa phương đánh giá cao và tinh tưởng áp dụng vào sản xuất. Ngoài lợi nhuận mang lại cho người nông dân, mô hình đã góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao nhận thức trong sản xuất lúa của nông dân như: sạ thưa, sử dụng phân hữu cơ để bón lót, bón phân hóa học cân đối, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tác "04 đúng", nhất là chỉ phun thuốc khi thật sự cần thiết và ghi chép sổ nhật ký canh tác,... Từ đó, giúp cho người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Đây là tiền đề góp phần thúc đẩy sản xuất lúa của tỉnh Long An phát triển bền vững những tác động của biến đổi khí hậu và bất ổn của thị trường./.


Trần Diễm Trúc Đào - TTDVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1