image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Một Số Lưu Ý Khi Phối Trộn Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Thiết bị bay không người lái (Drone) ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp và thói quen nông dân thường phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun để giảm chi phí phun thuốc, có trường hợp phối trộn 5-6 loại thuốc cho một lần phun. Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lưu hành trên thị trường hiện nay được khảo nghiệm và đăng ký liều lượng sử dụng cho bình phun với lượng nước 400-500 lít nước/ha, chưa có sản phẩm đăng ký sử dụng cho Drone nên khi sử dụng Drone phun thuốc với liều lượng như khuyến cáo bằng bình phun thì nồng độ tăng khoảng 16-20 lần. Do đó, nếu phối hợp thuốc không đúng sẽ làm giảm hoặc mất hiệu quả phòng trừ của các loại thuốc vì thuốc BVTV đa phần dạng hóa học nên khi hòa chung sẽ gây ra các phản ứng hóa học làm biến đổi thành chất khác. Ngoài việc làm giảm hiệu quả phòng trừ, phối trộn thuốc với nồng độ cao còn tăng tính kháng thuốc của dịch hại và gây ngộ độc đối với cây trồng, môi trường... Cây trồng có các giai đoạn tương đối mẫn cảm (cây con, ra hoa, tạo quả, hạt) nên xử lý thuốc nồng độ cao vào các giai đoạn này phần nào sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng.

28022024_bvtv.png

Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng, khi phối trộn các loại thuốc cần lưu ý:

1) Về dạng thuốc: Thuốc có 2 dạng chủ yếu là dạng bột và dạng nước, khi pha thuốc dựa vào nguyên tắc "thuốc bột pha trước, thuốc nước pha sau".

- Đối với dạng bột thường có 2 dạng chủ yếu là dạng hạt nhỏ, cốm (WG) và dạng bột mịn (WP). Trong 2 dạng này nên pha dạng bột mịn trước còn dạng hạt cốm thì pha sau vì dạng bột mịn (WP) cần nhiều nước và thời gian để tan, dạng cốm (WG) sẽ tan ngay khi gặp nước.

- Đối với dạng nước sẽ có 2 dạng chủ yếu là dạng huyền phù hay còn gọi là dạng sữa (SC) và dạng nhũ dầu (EC). Trong 2 dạng này thì pha dạng huyền phù (SC) trước và pha dạng nhũ dầu (EC) sau vì dạng huyền phù cần thời gian để phân tán trong nước.

Nên pha riêng từng loại thuốc với nước trước khi cho vào bình phun, trong bình phải có nước sẵn khoảng 1/3-1/2 bình để các phân tử thuốc được giải phóng hoàn toàn và khi phun sẽ không nghẹt béc phun cũng như giúp phát huy tối đa hiệu quả của thuốc.

2) Về đối tượng phòng trừ: Nông dân thường phối trộn nhiều loại thuốc để phòng trừ các đối tượng dịch hại khác nhau trong một lần phun để đỡ tốn công lao động. Tuy nhiên, có thuốc có thể phối trộn được, có thuốc không nên phối trộn: Ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ có thể phối trộn với các loại thuốc khác; Thuốc trừ bệnh không nên phối trộn với phân bón lá, thuốc điều hoà sinh trưởng, nấm vi sinh; Thuốc gốc Carbamate kim loại (Propineb, Mancozeb, Fossetyl aluminium, Zineb, Ziram) không cộng với kháng sinh như Streptomycin, Kasugamycin, Ningnanmycin, Validamycin,...;Thuốc gốc Đồng (Copper) không cộng với Fosetyl aluminium, gốc lưu huỳnh, phân bón lá, kháng sinh; Không nên phối trộn các thuốc có cùng cơ chế tác động, thuốc có cùng đối tượng phòng trị, thuốc có cùng hoạt chất.

Vì vậy, cần phải xác định đối tượng dịch hại nào đang gây hại chính trên cây trồng có khả năng ảnh hưởng đến năng suất để phòng trừ, tránh phối trộn quá nhiều loại thuốc gây lãng phí.

3) Nên "Pha thử" trước khi phun: Để biết chắc chắn khả năng phối trộn các loại thuốc, lấy một ít nước (100 ml) + 1 muỗng canh thuốc nguyên chất các loại pha chung trong cốc (sành, sứ, thủy tinh, nhựa) theo nguyên tắc"thuốc bột pha trước, thuốc nước pha sau", dùng que khuấy nhẹ cho thuốc hòa tan và để trong 2-5 phút. Quan sát nếu thấy có hiện tượng bất thường như: kết tủa bên dưới, đóng váng trên bề mặt, bốc khói tỏa nhiệt, sủi bọt hoặc biến đổi màu thì không nên pha trộn chung các loại thuốc đó để phun cho cây trồng.

Nếu đã khẳng định phối  trộn được 2 loại thuốc với nhau thì trong quá trình phun thuốc nên pha lần lượt loại thuốc thứ nhất cho vào bình, khuấy đều sau đó pha loại thuốc thứ 2 cho vào bình rồi tiếp tục thêm nước cho đầy bình theo liều lượng cần phun. Trước khi pha thuốc trong bình phải có một lượng nước vừa phải (1/3-1/2 bình), không nên cho 2 loại thuốc vào cùng một lúc và sau khi pha phải phun ngay.

4) Tuân thủ "Nguyên tắc 4 đúng" trong sử dụng thuốc. Cụ thể như sau:

* Đúng thuốc: Là dùng loại thuốc phù hợp nhất để phòng trừ dịch hại trên cơ sở cân nhắc các yêu tố: đối tượng dịch hại, loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng mà dịch hại tấn công, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế. Một loại thuốc BVTV thường chỉ phòng trừ được một hay một số loài dịch hại trong điều kiện thời tiết, đất đai, canh tác, cây trồng nhất định theo nguyên tắc: sâu bệnh nào - thuốc nấy.

* Đúng liều lượng, nồng độ (Lượng nước thuốc phun): Là sử dụng với nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì để đạt hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế nhất, đồng thời giảm thiểu tác hại do thuốc BVTV gây ra đối với môi trường, con người và sản phẩm.

- Đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng thuốc trên nhãn để tính toán đúng, đủ lượng thuốc cần sử dụng và lượng nước pha thuốc ứng với diện tích và đối tượng cây trồng cần xử lý. Phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng thuốc cần phun theo cảm quan.

Lưu ý: Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng vì: Phun thuốc với nồng độ thấp sẽ không đủ phòng trừ dịch hại, gây lãng phí thuốc, hiệu quả thấp, thậm chí làm cho dịch hại quen thuốc, kháng thuốc, kích thích dịch hại phát triển mạnh hơn. Ngược lại phun với nồng độ cao, lại không đem lại lợi ích kinh tế, để lại hậu quả xấu cho môi trường, gây độc cho con người, động vật, cây trồng, ảnh hưởng thiên địch và để lại dư lượng trên nông sản.

* Đúng lúc (thời điểm): Là phun thuốc vào thời điểm mà hiệu quả phòng trừ dịch hại cao nhất như sâu phun lúc tuổi nhỏ (tuổi 1-2), bệnh phun lúc mới chớm xuất hiện.

- Không phun thuốc vào những lúc cây mẫn cảm: cây đang ra hoa, đậu quả, thời tiết quá nóng, cây trồng sắp đến ngày thu hoạch…

- Các trường hợp sau đây chưa cần thiết phải phun thuốc: Mật độ dịch hại còn thấp, dưới ngưỡng thiệt hại; Mật độ thiên địch cao, có khả năng kiểm soát dịch hại; Thời tiết không thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của dịch hại;Tác hại do dịch hại gây ra chỉ trong một giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, sau đó cây trồng sẽ tự hồi phục được, không gây thiệt hại đến năng suất. Ví dụ như sâu cuốn lá, sâu đục thân trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.

* Đúng cách (đúng kỹ thuật): Là sử dụng với kỹ thuật, phương pháp mang lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu nhưng ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người, phun đúng nơi dịch hại cư trú để dịch hại tiếp xúc với thuốc nhiều nhất.

- Thực hiện đúng kỹ thuật phun/rải: không phun ngược chiều gió, không phun thuốc khi gió quá mạnh, trời sắp mưa, trời nắng gắt, đi đúng tốc độ, phù hợp với lượng nước thuốc, đảm bảo đủ lượng nước và lượng thuốc dùng.

- Nên dùng luân phiên các loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau để giảm tác hại của thuốc đến sinh vật và môi trường, giảm khả năng hình thành tính kháng thuốc của dịch hại và đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.

Phối trộn thuốc BVTV được sử dụng khá phổ biến hiện nay với mục phòng trừ từ hai đối tuợng gây hại cây trồng trở lên, đồng thời tiết kiệm số lần phun thuốc. Tuy nhiên, không nên phối trộn quá nhiều loại thuốc BVTV với nhau, nếu cần phối trộn, chỉ nên phối trộn tối đa 2-3 loại thuốc trong một lần phun và khi phối trộn thuốc cần lưu ý dạng thuốc, đối tượng phòng trừ, phương pháp phun, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, nguyên tắc 4 đúng để áp dụng cho phù hợp nhằm tăng hiệu quả phòng trừ và giảm ảnh hưởng đến cây trồng, con người và môi trường. Trong trường hợp phun thuốc bằng Drone cần lưu ý kỹ về nồng độ, trạng thái dung dịch nước thuốc sau khi pha, giai đoạn xử lý để tránh ảnh hưởng đến cây trồng./.


Hồng Quyến - CC TTBVTV và QLCLNS
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1