image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Biện Pháp Quản Lý Sâu Năn Trên Lúa Đông Xuân 2023-2024

Diện tích gieo sạ lúa Đông xuân 2023-2024 tỉnh Long An đến ngày 27/12/2023 là 207.833 ha, trong đó lúa giai đoạn mạ: 84.462 ha, đẻ nhánh: 64.363 ha, đòng: 16.771 ha, trổ: 14.357 ha, chín: 18.901 ha, thu hoạch: 8.979 ha. Theo kết quả kiểm tra tình hình sản xuất trên lúa Đông xuân 2023-2024 và tổng hợp báo cáo của cơ quan chuyên môn ở địa phương, hiện nay trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An có ghi nhận sâu năn xuất hiện với diện tích nhiễm 1.295 ha ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Trong đó, tỷ lệ hại 10-20%: 895 ha; tỷ lệ hại 20-30%: 400 ha.

Sâu năn (Muỗi hành) có tên khoa học là Orseolia oryzae gây hại nghiêm trọng các vùng trồng lúa trên thế giới, đặc biệt ở các nước khu vực Châu Á. Ở Việt Nam, trước đây sâu năn chỉ gây hại nặng ở những tỉnh miền Bắc và miền Trung. Năm 1983 ghi nhận xuất hiện ở Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng. Năm 1984 phát sinh thành dịch ở Tiền Giang và Sóc Trăng.

Thực tế tại Long An, sâu năn trong những năm gần đây xuất hiện và gây hại ở các huyện trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Kiến Tường) từ vụ Đông xuân 2017-2018.

Sâu năn thường gây hại nhiều ở vùng sản xuất 3 vụ lúa trong năm, ruộng sử dụng nhiều thuốc hóa học trong giai đoạn đầu gây mất cân bằng cân sinh thái, sâu năn phát sinh và gây hại nặng khi gặp điều kiện thời tiết sương mù, âm u, mưa kết thúc muộn, ẩm độ cao, phát sinh cục bộ trên một cánh đồng hoặc một vùng hẹp do khả năng di chuyển của muỗi yếu. Vòng đời sâu năn trung bình từ 20-30 ngày trong đó:

      + Trưởng thành: 1-3 ngày

      + Trứng: 2-4 ngày

      + Ấu trùng: 10-14 ngày

      + Nhộng: 7-9 ngày

 16012024_sn1.png

1. Đặc điểm hình thái sâu năn:

- Trưởng thành cái dài 3-5 mm, sải cánh rộng 8-9 mm, bụng màu đỏ da cam, thành trùng đực nhỏ hơn và có màu vàng nâu. Muỗi hoạt động về ban đêm, từ chiều tối tới nửa đêm, thích ánh sáng đèn. Ban ngày thành trùng thường đậu trong bụi lúa gần mực nước hoặc bụi cây cỏ, ven bờ ruộng.

 16012024_sn2.png

- Trứng đẻ riêng lẻ hoặc từng nhóm 3-5 trứng ở trên phiến lá hoặc thân cây lúa gần gốc lúa. Mỗi con cái đẻ hàng trăm trứng, trứng hình bầu dục dài 0,4-0,5 mm, trứng mới đẻ màu trắng sữa, bề mặt trơn bóng gần nở chuyển sang màu đỏ tím hay nâu đậm.

 16012024_sn3.png

- Ấu trùng (dạng dòi, rất nhỏ, không có chân) dài 1-3 mm, ấu trùng có 3 tuổi, ấu trùng mới nở chui qua bẹ lá đục vào điểm sinh trưởng làm cho lá lúa mới mọc cuốn lại thành ống như cọng năn (hành), ấu trùng sống trong đó. Khi ấu trùng phát triển sang tuổi 2 và tuổi 3, cây lúa bị hại bắt đầu hình thành ống hành.

 16012024_sn4.png

- Nhộng dài 3-4 mm lúc mới hình thành có màu vàng nhạt, rất mềm yếu còn gọi là giai đoạn tiền nhộng. Gần vũ hóa nhộng có màu nâu đỏ, đặc trưng là phần đầu có đôi gai và hàng gai ngược trên thân giúp nhộng có thể di chuyển lên xuống bên trong ống hành. Khi sắp vũ hóa, nhộng di chuyển lên phía trên của ống lúa và đục một lỗ nhỏ chui ra khỏi ống lúa.

 16012024_sn5.png

2. Triệu chứng gây hại:

- Cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, thân cứng, lá lúa dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống cọng năn (hành) do sâu đục vào điểm sinh trưởng của cây lúa, những tiết tố sâu non thải ra làm cho tế bào của bẹ lá non ở vùng điểm sinh trưởng phình to, kéo dài ra phía trên và hai mép khép lại hình thành ống tròn màu xanh đọt chuối. Cọng năn hay cọng hành là do bẹ lá và phiến lá biến thành, dài 10-30 cm và rộng 1-2 mm, trong mỗi ống chỉ có 1 ấu trùng. Khoảng 7 ngày sau khi bị tấn công lá lúa sẽ mọc dài ra, tròn giống như cọng năn (hành), màu xanh nhạt hơn các lá bình thường rất dễ phát hiện. 

 16012024_sn6.png

 - Sâu năn thường tấn công cây lúa giai đoạn mạ đến nảy chồi tối đa. Khi chồi bị hại sẽ kích thích cây lúa nẩy chồi mới để đền bù. Lúa bị gây hại sớm sẽ mọc thêm chồi mới và có khả năng hồi phục, lúa bị gây hại muộn thường gây hại trên những chồi vô hiệu. Đến giai đoạn nhộng của sâu năn, cây lúa bị hại có thể dễ dàng quan sát qua triệu chứng ống hành vươn dài lên trên và đến khi sâu năn trưởng thành có thể vũ hóa ra ngoài, nhộng bên trong ống hành di chuyển lên phía trên và đục một lỗ thủng ngay gần đỉnh của "ống hành" để chui ra ngoài và có thể quan sát thấy phần vỏ ngoài của nhộng sâu năn bên ngoài lỗ đục.

3. Biện pháp quản lý: Để quản lý sâu năn cần dựa trên nguyên tắc áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp cụ thể như sau:

* Thời vụ: Xuống giống đúng lịch thời vụ, đặc biệt trong vụ Đông xuân và vụ Thu đông, không xuống giống muộn hơn so với khuyến cáo của địa phương. Vùng chuyên canh lúa nên có thời gian cách ly thời vụ 2 - 4 tuần. Gieo sạ tập trung đồng loạt theo lịch thời vụ, không nên gieo sạ lai rai nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng tạo nguồn thức ăn liên tục cho sâu trên đồng ruộng.

* Dự báo: Sử dụng bẫy đèn và bẫy thau màu xanh da trời (đường kính 20 cm) đặt ngoài ruộng để dự báo sớm sự xuất hiện của thành trùng sâu năn trên ruộng, đặc biệt trong giai đoạn từ 15 - 40 ngày sau gieo sạ.

* Biện pháp canh tác:

- Làm sạch cỏ dại trên bờ, xung quanh bờ ruộng và trong ruộng để hạn chế nơi trú ẩn của sâu năn. Làm đất kỹ, san ruộng bằng phẳng trước khi gieo sạ.

- Thăm đồng thường xuyên, chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, theo dõi trưởng thành vào đèn để phát hiện sớm và có biện pháp quản lý thích hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Áp dụng phương pháp tưới "ngập khô xen kẽ" để cây lúa thông thoáng, phát triển tốt đẻ nhánh tập trung, rễ khỏe tăng sức đề kháng đối với dịch hại.

* Biện pháp sinh học:

- Bảo vệ thiên địch tự nhiên của sâu năn, áp dụng công nghệ sinh thái thông qua việc trồng các loài hoa, cây có màu sắc như hoa sao nhái (Cosmos sulphureus), đậu xanh (Vigna radiata)… trên bờ ruộng trước khi xuống giống từ 2-4 tuần nhằm gia tăng khả năng quản lý sâu năn của thiên địch tự nhiên, đặc biệt là ong ký sinh nhộng (Neanastatus sp.).

- Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch của sâu năn như: Các loại ong kí sinh trứng, kí sinh sâu non (dòi), kí sinh nhộng, các loài bắt mồi ăn thịt (bọ đuôi kìm, nhện, bọ rùa, chuồn chuồn kim…)

* Biện pháp hóa học:

- Chỉ nên sử dụng trong các trường hợp gieo sạ giống nhiễm nặng, áp lực cao ở giai đoạn 40 ngày sau sạ (khi mật độ thành trùng cái xuất hiện > 10 con/m2), có thể sử dụng một trong số các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có tên thương mại đăng ký phòng trừ sâu năn nhưng cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, với nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.

- Trong trường hợp ghi nhận triệu chứng sâu năn gây hại trên ruộng với tỷ lệ < 30% ở giai đoạn đẻ nhánh và không có sự phát triển mật số thành trùng sâu năn trên ruộng, không cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật hóa học, cần tiếp tục chăm sóc, bổ sung thêm lân và kali để bảo vệ bảo vệ năng suất, tuyệt đối không nên phun thuốc định kỳ để ngừa sâu năn./.


Hồng Quyến - CC TTBVTV và QLCLNS
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1