image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tìm hiểu bệnh nứt thân xì mủ trên cây có múi

Hiện nay, trong số những loại bệnh xuất hiện trên cây có múi thì bệnh nứt thân xì mủ là một trong số những bệnh nguy hiểm. Bởi vì, bệnh này dẫn đến chết cây và gián tiếp làm ảnh hưởng đến sản lượng của cây có múi. Đặc biệt, đối với những vườn cây có múi trồng càng lâu năm và chăm sóc kém thì tỷ lệ bệnh tăng cao hơn so với những vườn mới trồng và chăm sóc tốt.

Tác nhân chính gây nên bệnh nứt thân xì mủ là do nấm Phytophthora sp. gây ra. Đây là loài nấm đa thực, nghĩa là chúng có khả năng tấn công trên nhiều loại cây trồng. Chúng tồn tại trong đất, rồi tấn công vào thân, trái gây hiện tượng thối thân và trái. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa và nghiêm trọng nhất vào tháng bảy và tháng tám dương lịch. Bào tử nấm lưu tồn trong đất và có khả năng lây lan theo nước. Với điều kiện nhiệt độ thấp từ 25 - 35oC và ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển. Ngoài ra, bệnh thường xuất hiện nhiều khi cây ăn trái bị thiếu Canxi; Bởi vì, khi cây thiếu Canxi sẽ khiến vỏ cây dễ bị nứt, là cơ hội thuận lợi cho nấm xâm nhập vào bên trong cây, gây chảy nhựa (xì mủ). Thêm vào đó, đất giàu Canxi có tác dụng kìm hãm quần thể nấm; Ngược lại, khi đất bị nhiễm mặn có hàm lượng muối NaCl tích lũy trong đất thì có thể kích thích sản sinh bào tử nấm.

22052023_xm1.png 

Chanh bị nứt thân xì mủ

Tùy vào loại cây trồng thì triệu chứng bệnh nứt thân xì mủ sẽ có biểu hiện khác nhau. Triệu chứng bệnh điển hình do nấm gây ra trên cây có múi nói chung là làm cho cây phát triển chậm lại, tán lá mỏng đi và chuyển sang màu vàng. Sau đó, có thể chết cành, nếu vết bệnh lan rộng có thể gây chết cả cây. Trong đó, dấu hiệu đặc trưng xuất hiện ban đầu là những giọt nhựa trong suốt, tiết ra từ vết nứt trên thân cây, sau đó chuyển màu sang màu nâu đến đen nâu hoặc đen sậm. Có thể quan sát thấy dấu hiệu này trên thân cây vào thời điểm giữa cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Ngoài ra, khi cạo phần vỏ cây có nhựa tiết ra thì thấy những vệt đã chuyển màu nâu chảy dọc theo mạch dẫn, tạo ra vết nứt dọc thân cây. Khi đó, vỏ cây bị bệnh trở nên sần sùi, khi cây chết do nấm gây nứt thân xì mủ thì phần vỏ bong ra khỏi thân. Ngoài bệnh xuất hiện trên thân, thì nếu điều kiện môi trường ẩm độ cao như có mưa kéo dài hoặc đất bị ngập nước thì bệnh có khả năng xuất hiện trên trái và gây thối, rụng trái.

 22052023_xm2.png

Nứt thân xì mủ trên cây bưởi

Do đó, để quản lý bệnh nứt thân xì mủ trên cây ăn trái cần kết hợp của nhiều biện pháp như sau:

Trước tiên, ở giai đoạn vườn ươm thì cần chọn cây làm gốc ghép có khả năng kháng bệnh. Kết hợp với vệ sinh vườn, khử trùng vườn cây ở giai đoạn vườn ươm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cây làm gốc ghép cũng có khả năng chống lại bệnh nứt thân xì mủ. Khi ghép cây, cần chọn chồi để ghép pháỉ cách xa mặt đất ít nhất 40 cm để ngăn cản không cho mầm bệnh nấm có trong đất nhiễm lên chồi ghép. Tuy nhiên, hầu hết các loài/giống cây có múi được sử dụng làm chồi ghép đều bị nhiễm nấm. Vì vậy, cần mạnh dạng loại bỏ cây có dấu hiệu chảy nhựa thân ở giai đoạn vườn ươm hoặc trước khi trồng.

Thứ hai, khi chuẩn bị trồng cây cần chọn cây giống sạch bệnh từ những đơn vị chuyên cung cấp cây giống có uy tín.

Thứ ba, cần thực hiện biện pháp cắt tỉa cành, tạo tán để cây thông thoáng. Đặc biệt, cần tỉa bỏ bớt phần cành cây sát mặt đất để tránh mầm bệnh trong đất có thể nhiễm lên thân cây và giảm nguy cơ bị thối trái. Do đó, cắt tỉa cành triệt để cành/nhánh ngoài việc giúp cây thông thoáng và chống đổ ngã, còn góp phần kiểm soát bệnh nứt thân xì mũ hiệu quả hơn.

Thứ tư, định kỳ hàng năm dùng vôi hoặc hoặc dung dịch Bordeaux 1% quét quanh gốc vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Độ cao 0,7 - 1,0 m tính từ mặt đất để hạn chế nấm lây nhiễm từ đất lên cây.

Thứ năm, trường hợp cây bị bệnh nứt thân thì dùng dụng cụ cạo sạch vỏ cây trên thân có phần dịch tiết ra từ thân. Sau đó, dùng thuốc có chứa gốc đồng (trong danh mục cho phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành) pha với nước quét lên vết bệnh đã cạo sạch vỏ cây. Liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm. Sau 01 đến 02 ngày quét lại cho đến khi vết bệnh khô hẳn.

Thứ sáu, bên cạnh việc dùng thuốc hóa học thì bà con nên định kỳ 1 - 2 tháng/lần dùng các loại chế phẩm sinh học chứa các chủng nấm đối kháng như Trichoderma hoặc xạ khuẩn hoặc các chế phẩm sinh học đặc trị nấm bệnh để tưới gốc định kỳ. Nên bổ sung và duy trì lượng vi sinh vật có lợi trong đất, đặc biệt là nấm đối kháng mạnh với các nấm bệnh trong đất, nhằm kiểm soát môi trường đất tốt, hạn chế nấm bệnh gây hại cho cây hiệu quả hơn. Ngoài ra, bà con có thể kết hợp sử dụng phân hữu cơ vi sinh có chứa nấm Trichoderma để đối kháng với nấm có trong đất.

 Thứ bảy, quản lý việc tưới nước. Bởi vì, nước là một trong số các tác nhân làm cho Nấm lây nhiễm cho cây. Do đó, nếu trường hợp sử dụng phương pháp tưới làm ướt thân cây sẽ có lợi cho bệnh lây nhiễm cho cây dễ dàng. Vì vậy, tốt nhất nên tưới nước vào ban ngày và trong thời gian ngắn để nước bay hơi và giảm thời gian vỏ/thân cây bị ướt.

Như vậy, nhằm tránh thiệt hại do bệnh nứt thân xì mủ gây ra đối với cây có múi, để không gây ảnh hưởng đến sản lượng và hiệu quả kinh tế cho người nông dân thì bà con cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nêu trên để góp phần kiểm soát dịch bệnh được hiệu quả, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững./.

Trúc Đào - TTDVNN

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1