image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Ứng dụng công nghệ số gắn với cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Các thành tựu khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh quảng bá ứng dụng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người nông dân. Những thành quả trên lãnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng đạt được trong thời gian qua cho thấy vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số gắn với cơ giới hóa phục vụ cho sản xuất ngày càng có hiệu quả. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, ngày càng có nhiều loại máy móc gắn với những công nghệ thông minh ra đời để phục vụ việc sản xuất lúa như máy san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, sạ lúa theo cụm, máy cấy lúa kết hợp bón vùi phân, máy bay không người lái,...

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa Với việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Hiện nay, đối với cây lúa, các khâu làm đất cơ giới hóa 100%, thu hoạch trên 98% chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp; sấy khô hạt trên 70% sản lượng. Việc cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác

 03102022_cogioihoa.png

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Hiện nay, trong canh tác lúa đã có nhiều địa phương ứng dụng các thiết bị, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh vào sản xuất lúa để phục vụ trực tiếp cho sản xuất lúa của nông dân và phục vụ cho các cơ quan chuyên môn trong công tác dự tính, dự báo và đã đem lại kết quả rất tích cực, cụ thể:

- Trong khâu làm đất: ứng dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser giúp cho san bằng mặt ruộng ở độ chính xác rất cao là tiền đề để áp dụng thành công các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong sản xuất.

- Trong khâu gieo sạ: áp dụng máy cấy lúa kết hợp bón vùi phân 1 lần hay là máy sạ lúa theo cụm kết hợp bón vùi phân. Rải giống bằng thiết bị bay không người lái. Qua đó, giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng phân; giúp lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và đỗ ngã, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Trong khâu quản lý, chăm sóc:

+ Thì nhiều nơi nông dân đã sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị này giúp giảm được công lao động, tiết kiệm lượng thuốc từ 20 - 30%, giảm lượng nước phun xịt, bảo vệ sức khỏe của người lao động (do không phải tiếp xúc với thuốc BVTV trong quá trình phun); trung bình mỗi máy bay mất từ 7 - 10 phút để phun cho 01 ha, một máy bay có thể phun được 30 ha/ngày, hiệu suất làm việc cao gấp 10 lần so với phun xịt thủ công.

+ Hệ thống giám sát rầy nâu thông minh: hệ thống tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy; tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm. Chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được mật độ sâu rầy trong từng thời điểm, chủng loại gì, rồi mới quyết định phun thuốc hay không, chứ không phải như trước đây cứ thấy sâu rầy là xịt ngay. Hệ thống này cũng giúp cho các cơ quan chuyên môn dự báo được tình hình hình xuất hiện và gây hại của rầy nâu để đưa ra những khuyến cáo kịp thời.

+ Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động: được tích hợp đầu dò cảm biến chuyên dụng để theo dõi và cảnh báo độ mặn của nước trên kênh rạch hoặc cửa biển, cửa sông. Khi có cảnh báo mặn tự động, cơ quan chuyên môn các địa phương có thể đóng cống và người dân có thể chủ động trử nước ngọt, giảm thiệt hại tới nông nghiệp và đời sống. Qua đó, cũng giúp cho ngành nông nghiệp đưa ra khuyến cáo thời điểm gieo sạ phù hợp nhằm tránh thiệt hại do xâm nhập mặn; giúp cho nông dân chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt.

+ Ngoài ra, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối với với một số đối tác thực hiện triển khai phần mềm ứng dụng quản lý suất đồng ruộng trên điện thoại thông minh hay gọi nôm na dễ hiểu là phần mềm nhật ký sản xuất đồng ruộng, thay vì lúc trước đây nông dân ghi chép quá trình sản xuất của mình trên một cuốn sổ, cuốn tập; nay nông dân ghi trực tiếp lên phần mềm thông qua điện thoại thông minh. Hiện nay, phần mềm đang được triển khai ở các vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao có gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị cơ giới tiên tiến, hiện đại vẫn còn nhiều nông dân có tâm lý e ngại, trình độ nông dân còn hạn chế nên việc tiếp cận công nghệ gặp nhiều khó khăn, cụ thể: việc vận hành máy bay không người lái yêu cầu phải có trình độ, hiểu biết nhất định; hoặc sử dụng phần mềm quản lý sản xuất động ruộng cũng cần nông dân có sự hiểu biết và nhất là sử dụng điện thoại thông minh; đồng thời, nông dân chưa có thói quen sử dụng các công nghệ này. Một số công nghệ khi áp dụng có chi phí cao, cần có sự liên kết nông dân lại để hình thành những cánh đồng lớn cụ thể như hệ thống cảm biết mực nước, giám sát rầy nây, hoặc đầu tư các máy móc gắn với công nghệ,…

Tựu chung lại, ứng dung công nghệ gắn với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng là một xu thế tất yếu, giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên trên thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng hương hiệu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững./.

Dương Văn Tuấn

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1