image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Đốt rơm rạ sau thu hoạch - giải pháp lợi bất cập hại

Hiện nay, diện tích canh tác lúa trong Tỉnh đang thời điểm thu hoạch rộ. Hoạt động dịch vụ thu gom rơm thành cuộn hiện khá phổ biến nên hầu hết rơm được di chuyển khỏi đồng ruộng phục vụ mục đích khác tạo thu nhập cho nông dân. Phần gốc rạ còn lại trên ruộng thường được nông dân đốt đi để tranh thủ giải phóng nhanh đồng ruộng, thuận lợi cho việc cày xới canh tác tiếp vụ sau. Đây được coi là hình thức loại bỏ rơm rạ nhanh chóng và rẻ tiền, tiện lợi đối với nhiều nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ gây những tác hại sau:

- Các chất hữu cơ trong rơm rạ nếu được cày vùi vào sẽ bổ sung nguồn dinh dưỡng đáng kể cho đất. Ngược lại, nếu rơm rạ bị đốt, các chất hữu cơ nầy sẽ biến thành các chất vô cơ, chẳng những không làm đất màu mỡ mà lại làm cho đồng ruộng bị khô, đất chai cứng và làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi. Ngoài ra, sức nóng khi đốt rơm còn làm mất đi chất dinh dưỡng có trong đất.

 04052023_dr1.png

Hình ảnh đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa

- Đốt đồng nhiều lần và lâu dài, sức nóng sẽ diệt hết các vi sinh vật có lợi đang sống trong tầng đất mặt, làm đất nhanh chóng bị thoái hoá, biến chất, trở nên chai cứng và dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa.

- Tai hại nhất là quá trình đốt rơm rạ ngoài trời sẽ phát thải nhiều khí CO2, khí CO và sinh nhiều khói bụi gây ô nhiễm môi trường, gây cản trở giao thông và rất có hại cho sức khỏe con người. Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, nếu lượng khói dày đặc có thể gây ngạt thở. Đặc biệt là làm gia tăng mức khí thải nhà kính vào bầu khí quyển, ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu cho biết, cứ đốt 1 tấn rơm, sẽ thải ra 400 kg khí CO2. Ngoài ra, Trong khói đốt đồng lại có chứa các chất mang tính độc hại cao và là tác nhân gây ung thư đường hô hấp.

Thay vì đốt rơm rạ, việc cày vùi rơm rạ trên đồng sau thu hoạch sẽ bổ sung một lượng dinh dưỡng đáng kể cho đất. Bình quân lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng tương đương với lượng hạt lúa thu hoạch được. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dưỡng chất trong 6 Tấn rơm rạ chứa 40 kg N (tương đương 2 bao Urea), 7 kg P2O5 (tương đương khoảng 1 bao Super Lân), 100 kg K2O (tương đương 3 bao KCl) (Nguồn: GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - ĐHCT). Rơm rạ hoai mục giúp cải tạo đất, cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ. Việc đốt rơm rạ chỉ sử dụng hạn hữu nhằm cắt đứt nguồn lây lan cho vụ sau nếu vụ trước ruộng bị nhiễm quá nhiều bệnh đốm vằn, nhện gié. Tuy nhiên, nếu cày vùi rơm rạ tươi trong điều kiện ruộng ngập nước liên tục, thì tiến trình phân giải rơm rạ xảy ra rất chậm; đồng thời, sinh ra nhiều độc tố như H2S, CH4 là những khí nhà kính góp phần tạo nên biến đổi khí hậu. Đồng thời, các axit hữu cơ sinh ra trong điều kiện ruộng ngập nước liên tục sẽ gây ngộ độc cho rễ lúa, làm một phần rễ lúa bị thối đen và chết, ảnh hưởng sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

04052023_dr2.png 

Rễ lúa bị ngộ độc hữu cơ

Do đó, sau khi thu hoạch xong, nên tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học chứa nấm Trichoderma (cho ruộng không ngập nước) hoặc vi khuẩn Bacillus (cho ruộng để ngập nước) phun lên ruộng trước khi cày vùi sẽ giúp rơm rạ phân huỷ nhanh, tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Thị trường hiện nay đang lưu hành nhiều loại chế phẩm sinh học nầy như Trichoderma, Dascella, UPC, Sumitri,… 

 04052023_dr3.png

Cày vùi gốc rạ sau khi đã xịt chế phẩm sinh học

Tóm lại, rơm rạ sau thu hoạch chính là nguồn tài nguyên rất quí giá, không nên chỉ vì những tiện ích trước mắt mà bỏ mất nguồn tài nguyên quí giá này. Đốt rơm sau thu hoạch không những gây ra nhiều tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường sống, mà chính là đốt tiền của mình đã đầu tư sau một vụ lúa. Do đó, người nông dân phải biết tận dụng rơm rạ đúng cách để đem lại hiệu quả cho nhà nông thay vì đốt bỏ chúng. Không đốt rơm và biết sử dụng rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, là một trong những nội dung của canh tác lúa thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện canh tác nông nghiệp bền vững./.


Nguyễn Thanh Tùng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1