image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Chăm sóc cây Mai sau Tết

Mai vàng sau khi chưng Tết thường sẽ bị mất sức, sinh trưởng kém do đã tập trung nuôi hoa trước Tết, nhất là cây Mai được bứng trồng trên chậu. Do đó, sau khi chưng Tết, cây Mai phải được quan tâm, chăm sóc, bù đắp ngay chất dinh dưỡng để cây phục hồi sự sinh trưởng trở lại, nếu không Mai sẽ không thể cho bông như ý cho Tết năm sau.

 30012023_mai.png

Để chăm sóc cây Mai sau Tết, cần lưu ý một số việc như sau:

1./ Đem chậu Mai chưng trong nhà ra ngoài trời: do cây Mai cần ánh nắng trực tiếp, nhưng nếu đem cây ra phơi nắng trực tiếp đột ngột, cây sẽ bị héo lá non. Đem chậu Mai để nơi có nắng dịu buổi sáng, đến trưa dùng lưới cản quang hoặc lá chuối che bớt nắng trực tiếp. Sau đó tăng dần thời gian phơi nắng lâu hơn được khoảng vài ngày rồi mới để cây ngoài nắng hoàn toàn.

2./Cắt tỉa nhánh, loại bỏ hoa, trái trên cây: trước khi lên chậu, Mai đã được cắt bớt rễ và được phun xịt nhiều chất kích thích để ra hoa tập trung. Nên sau khi ra hoa cây rất mất sức. Do đó, việc cần phải làm ngay sau Tết là lặt bỏ hết tất cả các hoa, nụ và trái trên cây ( nếu cần hạt để làm giống  thì chọn lựa để lại vài chùm trái mà thôi ).Lưu ý,chỉ cắt giữa cuống hoa, giữ lại cọng đài hoa, tạo điều kiện cho chồi mới phát triển

Dùng kéo cành cắt bỏ phần đầu ngọn các nhánh dài và mọc dày, cành yếu, cành vô hiệu để cây được khỏe mạnh, chỉnh sửa cây có tán cân đối theo ý muốn. Người ta thường tỉa theo dạng hình nón,(dạng cây thông). Tùy độ dài của cành mà phần cắt bỏ khoảng 1-2 tấc là được.Tỉa cành càng gần thân thì tược càng mạnh. Khi các tược đã ra dài  trên 2 tấc, sử dụng dây nhôm quấn quanh các tược để uốn, chỉnh sửa theo các vị trí như ý muốn. Lưu ý dùng kéo bén để vết cắt không bị dập, sau đó dùng nước vôi trong quét lên để vết cắt mau liền sẹo và ngừa bệnh. Sau cắt cành, nên để cây trong mát, hoặc dùng lưới ni lông che lại để tránh mất nước, giảm lượng nước tưới.

3/Sang chậu, bón phân, tưới nước:

-.Đối với những chậu Mai không phải sang chậu mới, chỉ cần bổ sung 1 phần phân hữu cơ hoai mục (tốt nhất là phân trùn Quế), 1 phần bột xơ dừa, 1 phần tro trấu, 1 ít vỏ trấu. Nếu có bánh dầu phọng thì bẻ nhỏ từng miếng bằng 2 ngón tay nhét sâu xung quanh vành chậu sẽ rất tốt cho Mai. Tùy độ lớn của cây Mai, bón từ 100-200 gam bánh dầu/chậu.

- Sang chậu,thay giá thể: Tùy theo chiều cao và độ lớn của phần gốc Mai, có thể sang chậu mới có đường kính lớn hơn và thay đất để chậu Mai có đủ đất phát triển bộ rễ về sau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, khí hậu sau Tết thường nóng, việc thay đất có thể làm đọng rễ không có lợi cho cây. Nếu cần thay đất thì nên để cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trời đã sang mùa mưa sẽ thuận lợi hơn. Nên thay khoảng 1/4-1/3 đất cũ trên mặt và  xung quanh thành chậu. Cắt bớt các rễ già, rễ bị bệnh để kích thích cây mọc rễ non, hút dinh dưỡng tốt hơn.Theo kinh nghiệm một số nhà vườn, thành phần giá thể phù hợp gồm 6 tro trấu, 2 phân hữu cơ hoai, 1 đất, 1 xơ dừa; nếu được thì thêm 1 vỏ đậu phọng, giảm bớt tro trấu lại. Lưu ý, sau khi thay đất không nên bón phân ngay có thể làm hại rễ; phải chờ một thời gian cho rễ phục hồi rồi mới bón phân

- Bón phân: Từ tháng 1-tháng 5,tùy theo độ lớn của cây Mai, nên pha phân hổn hợp giàu Đạm và Lân như 30-10-10 hoặc 20-20-15 (khoảng 15-20 gam/ chậu 6 tấc) tưới thêm cho Mai để phát triển cành lá mới. Từ tháng 6- tháng 9, bón phân giàu Lân như 15-30-15, tưới 15-20 gram/chậu. Từ tháng 10- 12, bón 1 lần phân 10-50-10 để kích nụ với liều 15-20 gram/chậu Các loại phân Humic, Wehg, Hữu cơ Dynamic cũng rất tốt cho Mai, mỗi tháng 1 lần         

- Nên tưới giữ ẩm thường xuyên cho cây Mai trong 3 tuần đầu. Sau đó, khi thấy chậu Mai ra lá non thì bớt nước lại, vài ngày tưới 1 lần, chỉ tưới khi thấy đất trong chậu bị khô

5./ Phòng trừ dịch hại:

- Về sâu hại: bọ trỉ , thường xuất hiện gây hại giai đoạn cây mới ra lá non làm quăn lá, phát triển mạnh trong mùa khô. Dùng Confidor, Admire, Polytrin…Nên phun thuốc khi Mai vừa nhú chồi non, sau đó phun lại khi chồi dài 4-5 lá.

Nhện đỏ: thường hút chất dinh dưỡng trên lá, phát triển mạnh mùa nắng làm lá Mai mất chất xanh, ảnh hưởng rất lớn đến quang hợp, lá rụng sớm. Sử dung Ortus, Kethane, Nissorun hoặc Dầu khoáng D. C Tron Plus phun xịt.

Rệp sáp thường sống từng đám trên cành, thân. Chúng phát triển mạnh trong mùa khô, chích hút nhựa làm cây mất sức, dễ gãy cành. Khi thấy trên cây có kiến và nấm bồ hóng thì chắc chắn có rệp sáp đang hiện diện trên cây. Sử dụng Lannate, Admire hoặc Supracid…

- Về bệnh hại:

Nấm hồng: thường xuất hiện sau vài cơn mưa đầu mùa. Cành bệnh có những vệt màu hồng như bị rĩ sét. Cành nào bị bệnh thì thường lá nơi đó có sọc trắng trên lá. Dùng  Anvil, Norshield, Coc 85

Cháy bìa lá: chóp hoặc rìa lá có vệt màu xám, hình thù không rõ rệt. Dùng Anvil, Coc 85, Master Cop phun xịt

Bệnh thán thư: là bệnh quan trọng, xuất hiện quanh năm, nhất là trong mùa mưa, gây hại chủ yếu ở lá còn non và bánh tẻ. Lá bị bệnh màu xám, khô, co dúm lại, làm rụng lá. Dùng Anvil, Vicarben, Dithane M 45.

Tất cả những đầu việc được nêu trên đây để chăm sóc cây Mai vàng sau Tết cần phải được thực hiện đồng bộ, nhất là việc loại bỏ hoa trái, cắt tỉa cành nhánh, bổ sung dinh dưỡng cần tiến hành sớm để giúp cây Mai phục hồi, phát triển tốt trong mùa mưa, chuẩn bị cho đớt bông như ý cho mùa Tết năm sau./.


Nguyễn Thanh Tùng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1