image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tìm Hướng Đi Bền Vững Cho Thanh Long Việt Nam

Cây thanh long là loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới. Đồng thời, cây thanh long còn là một trong những cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ năm 2010 đến năm 2020, diện tích thanh long Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt mức cao nhất vào năm 2020 là 65.500 ha. Cây thanh long được trồng tại nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang và thị trường xuất khẩu chủ yếu của thanh long Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid và chính sách "zero Covid", Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ tình hình xuất nhập khẩu thanh long, khiến cho việc xuất khẩu thanh long Việt Nam gặp nhiều khó khăn và từ năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của thanh long sụt giảm. Do đó, diện tích trồng thanh long hiện nay trên cả nước đã giảm còn 55.000 ha do nông dân nhiều nơi phá bỏ thanh long để trồng cây trồng khác. Trước tình hình đó, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam" tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm trao đổi và tìm hướng đi bền vững cho thanh long Việt Nam trước tình hình diện tích canh tác thanh long giảm sút và sản xuất nông nghiệp cần giảm phát thải khí nhà kính. Đây là Hội nghị nằm trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu góp phần thực hiện NDC của Việt Nam".

14102023_tl1.png 

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh "Phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển xanh" là chủ đề được Chính phủ ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2030 - 2050. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050. Thanh long là một trong những mặt hàng chủ lực của xuất khẩu, với diện tích hiện nay là 55.000 ha tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Thanh long hiện nay là cần nâng cao chất lượng và hiệu quả đề tạo hành lang cho Thanh long phát triển bền vững và sản xuất như thế nào để bền vững. Vì vậy, Hội nghị này được tổ chức nhằm tập trung bàn về những lĩnh vực trọng tâm để phát triển thanh long bền vững. Đặc biệt là phát triển Thanh long an toàn kết hợp với giảm phát thải khí nhà kính và chất lượng đi liền với nhau. Trong đó, trọng tâm là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải gắn liền với chất lượng sản phẩm.

Theo Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện Tổ chức UNDP tại Việt Nam cho biết: Tổ chức UNDP là đối tác của Việt Nam liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, tưới tiêu, thủy lợi, quản lý thiên tai trong Chương trình phát triển bền vững Thanh long tại Việt Nam. Tổ chức UNDP tham gia trong Chương trình phát triển chuỗi xanh tại Việt Nam; trong 03 năm qua, các Hợp tác xã sản xuất Thanh long tại Việt Nam đã sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn, áp dụng các kỹ thuật (tưới tiêu, chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc,...) để đưa ra sản phẩm có mã QR có thể truy xuất nguồn gốc. Mô hình Thanh long phát triển xanh là một ý tưởng tốt để thúc đẩy phát triển Thanh long bền vững tại Việt Nam, phù hợp với chính sách phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023 và cân bằng carbon năm 2050. Đó là quy trình quản lý để Thanh Long Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, để thanh long Việt Nam phát triển bền vững cần ổn định diện tích canh tác, nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng, cần đạt tiêu chuẩn GAP tại các vùng sản xuất. Cần xây dựng những vùng nguyên liệu phù hợp và đảm bảo yêu cầu, chứng nhận của các thị trường xuất khẩu; có sự liên kết trong chuỗi sản xuất theo định hướng Logistic. Tổ chức UNDP sẽ theo dõi về phát thải carbon tromg chuỗi sản xuất Thanh long cho đến tiêu dùng. Đây là chỉ tiêu quan trọng cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, đảm bảo yêu cầu mặt hàng Thanh Long Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhằm tìm ý tưởng để phát triển chuỗi thanh long trong tương lai, hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của Ngành Nông nghiệp.

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết hiện nay tại Việt Nam, cây thanh long đang đứng vị trí thứ 8 trong tổng số diện tích cây ăn trái của cả nước, sản lượng thanh long đứng hàng thứ 3 sau cam và chuối. Thời kỳ đỉnh cao của thanh long đã qua, hiện nay đang có xu hướng đi xuống do ảnh hưởng của Covid. Do đó, vấn đề chính là cần phát triển thanh long Việt Nam so với các nước khác như thế nào. Trong đó, thanh long Việt Nam có ưu thế là sản xuất trái vụ và các tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng bởi vì sau cây lúa thì thanh long có rất nhiều tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, cần định hướng 40% diện tích sản xuất chính vụ và 60% diện tích sản xuất trái vụ.

Theo Bà Trần Thanh Bình - Đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết hiện nay tình hình xuất khẩu thanh long Việt Nam giảm. Do trước đây, thanh long Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trên 80% và đi theo con đường tiểu ngạch qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc có chủ trương sản xuất thanh long tập trung vào việc tăng diện tích để phục vụ cho thị trường nội địa, nên sản lượng thanh long Trung Quốc tăng và sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất thanh long trái vụ để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

14102023_tl2.png 

Khu vực trưng bày sản phẩm

Ngoài các thông tin được chia sẻ từ các nhà chuyên môn đầu ngành, hội nghị còn được lắng nghe ý kiến chia sẻ từ các vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đại diện Hiệp hội Rau quả, đại diện Hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua nông sản,… với nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Hội nghị cũng đã đề ra một số giải pháp để thúc đẩy sản xuất thanh long bền vững, trong đó là yêu cầu quan trọng phải có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp thực tế. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên cần có dự báo nhanh chóng, kịp thời để có các giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt. Để tránh tình trạng "được mùa mất giá" thì cần có thông tin dự báo, cảnh báo tiêu thụ của thị trường xuất khẩu vì Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường xuất khẩu "dễ tính". Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn liên kết sản xuất giữa Hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn (GAP, GlobalGAP,…), tập trung sản xuất theo quy trình sản xuất giảm phát thải nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ thanh long đạt chuẩn loại 1, thực hiện truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao,... để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm thanh long nhằm thúc đẩy phát triển thanh long bền vững trong thời gian tới./. 


Trần Diễm Trúc Đào - TTDVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1