image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Góc nhìn từ tọa đàm “liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm” Tìm hướng đi bền vững cho trái mít Long An

Hiện nay, mít là loại cây ăn trái có diện tích khá lớn trên toàn tỉnh Long An. Với tổng diện tích trên 2.627 ha, diện tích trồng mít đứng hàng thứ 3 sau diện tích trồng thanh Long và chanh. Trong đó, huyện Tân Thạnh là huyện có diện tích trồng mít lớn nhất của tỉnh với khoảng 1.369 ha. Thời gian qua, trong vấn đề tiêu thụ mít của nông dân tại địa phương không thể tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá" hoặc bị thương lái khống chế về giá. Qua đó cho thấy, trong hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ mít tại địa phương còn rời rạc, chưa thật sự chặt chẽ.

0592023_m1.png 

Đại biểu tham dự chia sẻ trong buổi tọa đàm

Trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động của Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long" giai đoạn 2022 - 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre tổ chức buổi tạo đàm với chủ đề "Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm" nhằm tìm hướng đi bền vững hơn cho trái mít của tỉnh Long An. Đến tham dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của trên 30 đại biểu là đại diện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh; Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập; Cơ sở thu mua nông sản - chi nhánh tập đoàn Vina TT,… và nông dân trồng mít tại địa phương.

Trong buổi tọa đàm, Ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An cho biết: Theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, một số vùng canh tác lúa kém hiệu quả trong tỉnh sẽ chuyển đổi để trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao hơn. Cây mít là một trong số những đối tượng cây trồng chuyển đổi đã góp phần mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Trong thời gian sắp tới, khi các mặt hàng nông sản của Việt Nam gia nhập vào thị trường thế giới thì mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa giúp cho nông sản Việt Nam nói chung, trái mít Long An nói riêng, phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, thời gian qua trong chuỗi giá trị của mít tại địa phương, đặc biệt là ở khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự chặt chẽ và còn nhiều hạn chế làm cho giá trị của trái mít chưa được nâng cao. Do đó, buổi tọa đàm được thực hiện nhằm lắng nghe ý kiến chia sẻ của quý đại biểu tham dự để từ đó tìm ra giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong sản xuất và tiêu thụ mít, để giúp cây mít ở Long An phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

 0592023_m2.png

Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Trung tâm KN và Tư vấn DVNN Bến Tre chia sẻ: "Hiện nay, trong sản xuất cây ăn trái nói chung thì người dân cần chủ động trong sản xuất. Song song đó, bà con cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật để vừa giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất và làm tăng giá trị của sản phẩm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất - tiêu thụ, cũng như tranh thủ xây dựng mã số vùng trồng. Vì mã số vùng trồng là tấm vé thông hành giúp cho trái mít tại địa phương không chỉ mở rộng cơ hội tiêu thụ ở thị trường nội địa, mà còn có cơ hội vươn xa hơn ở thị trường nước ngoài. Khi đó, giá trị của trái mít sẽ tăng lên". 

Ông Nguyễn Văn Phương - Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất Mít xã Tân Lập thuộc mô hình "Mô hình thâm canh Mít theo VietGAP" năm 2022 của Dự án Khuyến nông Quốc gia bộc bạch: "Trước đây mít tại địa phương luôn gặp phải tình trạng được mùa mất giá diễn ra. Khi mít thu hoạch rộ, giá bán rất thấp, bình quân khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg; đến thời điểm giá mít khoảng 40.000 đồng/kg thì không có mít để bán. Đó là một vấn đề khó khăn của nông dân, từ đó kiến nghị địa phương nên hình thành HTX thu mua mít và đề nghị các ngành hỗ trợ để cấp mã số vùng trồng mít cho địa phương để đầu ra cho trái mít ổn định hơn.

Ngoài ý kiến của Ông Phương, một số ý kiến đề xuất khác của bà con nông dân tham dự trong tọa đàm xoay quanh các vấn đề nhằm đề xuất các đơn vị thu mua hợp tác với Tổ liên kết sản xuất mít xã Tân Lập (ấp Bằng Lăng) để giúp trái mít có đầu ra ổn định và giá bán cao hơn vì bước vào mùa, giá mít thấp gây thiệt hại cho bà con. Đồng thời, nông dân tham dự buổi tạo đàm cũng đề nghị các Ngành chuyên môn cần tạo điều kiện, thúc đẩy việc cấp mã số vùng trồng cho mô hình của Dự án để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thu mua, xuất khẩu.

Theo Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, chủ cơ sở thu mua nông sản - chi nhánh tập đoàn Vina T&T cho biết tại cơ sở thu mua nông sản của Bà đang phụ trách mặt hàng chính là bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, vú sữa,… tại Bến Tre, Sóc Trăng, Long An, DakLak,… Mít tại Long An là một mặt hàng mới mà đơn vị đang muốn tìm hiểu để có định hướng thu mua trong thời gian tới.

Mặc dù thời gian của buổi tọa đàm không nhiều, nhưng với những thông tin nhận được thông qua những chia sẻ, trao đổi của các đại biểu tham dự tọa đàm đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và những việc cần làm trong thời gian tới để giúp cho trái mít nói riêng, cây ăn quả của tỉnh Long An nói chung. Nhằm góp phần cho Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long" đạt được thành công, giúp nâng cao giá trị của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới./.  


Trần Diễm Trúc Đào - TTDVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1