image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Hội thảo chuyên đề Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác sầu riêng tại Long An
Theo kết quả thống kê của ngành Nông nghiệp trong vòng 10 năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh có xu hướng gia tăng qua các năm, đến nay diện tích trồng cây ăn trái của Tỉnh trên 25.870 ha. 

Theo kết quả thống kê của ngành Nông nghiệp trong vòng 10 năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh có xu hướng gia tăng qua các năm, đến nay diện tích trồng cây ăn trái của Tỉnh trên 25.870 ha. Sầu riêng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được được nông dân tại các huyện trong tỉnh Long An, đặc biệt là các huyện vùng Đồng Tháp Mười lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian gần đây. Đồng thời, sầu riêng còn là một trong số cây ăn trái trong "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022 - 2025" được thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

 20122023_tt1.png

Hội trường buổi hội thảo

Thời gian qua, mặc dù cây sầu riêng đã mang lại cho người nông dân lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, sầu riêng trồng trên vùng đất phèn của tỉnh tiềm ẩn một số vấn đề khiến cho người trồng sầu riêng gặp nhiều trở ngại trong quá trình canh tác. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do người nông dân chưa nắm vững về mặt kỹ thuật trong canh tác và quản lý dịch hại, nên hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao; ngoài ra, Long An là vũng đất phèn nên về lâu dài sẽ tác động bất lợi đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng nếu nông dân không có giải pháp xử lý phèn một cách hiệu quả.

Từ những lý do nêu trên, nhằm tạo điều kiện cho người trồng sầu riêng trong tỉnh nói chung và tại một số huyện vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, có cơ hội tiếp thu kiến thức từ các nhà khoa học xoay quanh chủ đề canh tác sầu riêng, vào giữa tháng 11 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức hội thảo chuyên đề "Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác sầu riêng tại Long An" tại Khách sạn Bông Sen, Thành phố Tân An với hơn 60 đại biểu tham dự là nông dân tại các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Tp.Tân An.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trịnh Hoàng Việt cho biết: Sầu riêng là loại cây trồng khá mới đối với người nông dân của tỉnh Long An vốn đặc thù trồng lúa. Về mặt thổ nhưỡng, sầu riêng khá "khó tính" để thích nghi với vùng đất phèn của tỉnh Long An. Do đó, khi nông dân chuyển đổi trồng sầu riêng trên nền đất lúa kém hiệu quả đã gặp phải không ít trở ngại như về kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại, đặc biệt do điều kiện thổ nhưỡng của Long An vốn là đất phèn là một trở ngại rất lớn đối với người nông dân trong canh tác cây sầu riêng. Vì vậy, Hội thảo chuyên đề được tổ chức nhằm cập nhật, bổ sung thêm nhiều thông tin mới từ các nhà khoa học, các chuyên gia từ Viện Cây Ăn quả Miền Nam (Thạc sĩ Huỳnh Thanh Lộc) và GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên giảng viên Trường Đại học Cần Thơ) để người trồng sầu riêng của tỉnh Long An, đặc biệt là ở vùng Đồng Tháp Mười trồng sầu riêng đạt được hiệu quả hơn".

20122023_tt2.png 

GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ chia sẻ tại hội thảo

Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, đất phèn chiếm khoảng 50% diện tích đất đất canh tác ở Long An. Trong đó, vùng Đồng Tháp Mười là vùng trũng, đồng thời là rốn phèn của Tỉnh. Sầu riêng của tỉnh Long An trồng chủ yếu tại các huyện trên vùng đất phèn sẽ gặp một số trở ngại chính như sau: Thứ nhất là pH thấp gây hại rễ; Thứ hai là nhiều độc chất Sắt (Fe), nhôm (Al), Lưu huỳnh (S) gây độc cho cây và Thứ ba là thiếu một số nguyên tố như lân (P2O5), Canxi (Ca) và Magie (Mg) làm cho cây kém phát triển. So với cây lúa, bộ rễ sầu riêng không có khả năng giải độc chất phèn nên cây bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Do đó, theo GS-TS Nguyễn Bảo Vệ để canh tác sầu riêng trên vùng đất phèn thì bà con cần hiểu rõ về đất phèn của vườn nhà mình. Đồng thời, bà con cần có biện pháp quản lý đất phèn hiệu quả. Trong đó, bước quan trọng khi trồng sầu riêng là cần đào mương, lên liếp trồng sầu riêng đúng kỹ thuật, tránh đưa tầng đất bị nhiễm phèn ở tầng bên dưới lớp đất mặt lên trên, để tránh không cho độc chất của đất phèn phóng thích và gây độc cho cây sầu riêng. Bên cạnh đó, khi trồng sầu riêng trên liếp đôi thì bà con cần có rãnh nước ở giữa liếp và những rãnh xương cá để thoát phèn trong đất. Song song đó, bà con nông dân cần quản lý nước trong vườn để ém phèn. Lưu ý, mực nước trong mương luôn giữ ổn định và mực nước luôn cách mặt liếp khoảng 60 cm và không để mương khô đáy sẽ làm phèn tiềm tàng thành phèn hoạt động gây hại cây sầu riêng. Bên cạnh đó, người trồng cần bón vôi (đá vôi nung) để cải tạo đất phèn tùy vào độ chua (pH). Ví dụ: với pH từ 4,5 - 5,5 có thể bón 200 - 300 kg vôi/ha, nếu pH từ 3,5 - 4,5 có thể bón 300 - 500 kg/ha, nếu pH từ 5,5 - 6,5 có thể bón 100 - 200 kg/ha. Lượng vôi này có thể bón 01 lần/năm, bón vào đầu mùa mưa, sau khi bón vôi nên xới xáo đất để trộn vôi vào đất và cần tưới đủ nước sau khi bón. Một lưu ý quan trọng là trên dất phèn không nên bón phân có nhiều lưu huỳnh (S) vì sẽ làm cho đất phèn chua thêm. Đối với đất phèn, lân trong đất luôn bị cố định (giữ chặt trong đất) nên cây sầu riêng khó hấp thu. Vì vậy, cần có biện pháp hạn chế, ngăn cản không cho lân bị cố định trên đất phèn thông quan việc sử dụng phân bón chứa chất Avail hoặc Polyphosphate.

Ngoài các thông tin được chia sẻ từ 02 báo cáo viên, các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều cây hỏi xoay quanh một số vấn đề mà nông dân đang gặp phải như vấn đề rụng trái non; biện pháp kéo đọt và bông trước khi xổ nhụy; phương pháp bón phân cho sầu riêng trên vùng đất phèn để sầu riêng hấp thu dinh dưỡng được hiệu quả; nguyên nhân và biện pháp khắc phục một số hiện tượng như cháy lá, khô đọt chết nhánh, cháy múi sầu riêng,… các câu hỏi đều được tận tình giải đáp để bà con nông dân hiểu và nắm rõ vấn đề, nhằm giúp cho nông dân trồng sầu riêng đạt hiệu quả hơn.

Thông qua hội thảo chuyên đề, đã cung cấp những kiến cơ bản và hữu ích giúp cho người trồng sầu riêng áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất. Hội thảo đã góp phần thúc đẩy thực hiện thành công "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Long An" trong thời gian tới./.

 

Trần Diễm Trúc Đào - TTDVNN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1