image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC LÚA ĐÔNG XUÂN 2017-2018 TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN

​   Vụ lúa Đông xuân toàn tỉnh đã gieo sạ ước khoảng 233.294 ha/KH 233.120 ha, đạt 100,1% so với kế hoạch, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó giai đoạn mạ: 9.980 ha, đẻ nhánh: 115.664 ha, đòng trỗ: 86.041 ha, chín: 13.512 ha, thu hoạch 8.097 ha.

​   Theo dự báo: Lượng mưa trong tháng 01-02/2018 tại Nam Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) do xuất hiện các đợt mưa trái mùa, riêng tháng 3-4/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng kỳ. Độ mặn cao nhất hiện nay đo được tại các trạm vùng cửa sông: Cầu Nổi sông Vàm Cỏ 8,2 gram/lít, Bến Lức sông Vàm Cỏ Đông 0,8 gram/lít, Tân An sông Vàm Cỏ Tây 0,2 gram/lít, dự báo trong thời gian tới khả năng độ mặn sẽ tăng do ảnh hưởng của các kỳ triều cường và một số dịch hại nhất là sâu năn đang có nguy cơ bùng phát gây hại cho sản xuất lúa. Bên cạnh đó thời gian nghỉ Tết kéo dài nông dân rất dễ chủ quan. Vì vậy, để tập trung chăm sóc lúa Đông xuân 2017-2018 trước, trong và sau Tết Nguyên đán đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung thực hiện một số công việc sau:

  1. Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, Ban chỉ đạo các cấp về phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa. Xây dựng kế hoạch, phương án chăm sóc, bảo vệ lúa Đông xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

  2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn trên Website Phòng chống thiên tai của tỉnh pctt.longan.gov.vn và tình hình dịch hại trên cây trồng, đồng thời thông báo rộng rãi những nội dung này để nông dân biết chủ động ứng phó kịp thời, tuyệt đối tránh tình trạng nông dân phun thuốc phòng để an tâm ăn Tết.

  3. Kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi đầu mối, khắc phục tình hình rò rỉ nước mặn vào nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý phục vụ tốt cho việc ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, khuyến cáo người dân theo dõi thông tin của cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới cho cây trồng.

  4. Hướng dẫn các hộ nông dân trồng lúa, rau màu, mía, thanh long, chanh, cây ăn trái khác thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật chăm sóc ứng phó kịp thời với tình hình phát sinh dịch hại trên cây trồng và biến đổi khí hậu.

  5. Quản lý và phòng trừ tốt các dịch hại chủ yếu sau:

  - Đối với rầy nâu: Dự báo sẽ có đợt rầy cám nở từ ngày từ 01-08/02/2018 (tức 16-23/12/2017 AL) trên lúa đẻ nhánh-đòng trỗ, chú ý trên các giống nhiễm rầy và rầy có thể nở kéo dài, đây là lứa rầy có khả năng xuất hiện với mật độ cao trên các trà lúa trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nông dân thường chủ quan, ít thăm đồng. Do đó, cần vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật độ rầy nâu trên ruộng, khi phát hiện rầy nâu từ 3 con/tép trở lên có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ: Đối với trà lúa từ cuối đẻ nhánh đến làm đòng sử dụng các loại thuốc chống lột xác, lưu dẫn như: Hoạt chất Buprofezin, hoạt chất Isoprocarb, hoạt chất Pymetrozine, hoạt chất Dinotefuran. Chú ý khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao.

  - Bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá: Thời điểm từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán thời tiết lạnh, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh hại phát sinh, phát triển, hơn nữa cơ cấu giống lúa hiện nay đa số đã nhiễm hai bệnh này. Vì vậy, thời gian tới bệnh đạo ôn lá và cháy bìa lá có khả năng phát sinh và gây hại mạnh, nhất là trên ruộng gieo sạ các giống nhiễm, sạ dày và bón dư phân đạm. Biện pháp quản lý là khi thấy vết bệnh xuất hiện, ngừng bón phân đạm, bón phân cân đối NPK,… Khi thấy 5-10% lá bị bệnh thì phun thuốc phòng trừ: Đối với bệnh đạo ôn lá thì có thể phun một trong các loại thuốc: Hoạt chất Isoprothiolane (Fujione,…), Tricyclazole (Beam,…), Tricyclazole + Propiconazole (Filia,…); đối với bệnh cháy bìa lá thì có thể phun một trong các loại thuốc: Kasugamycin (Kasumin,…), Oxytetracycline Hydrochloride  + Gentamicin Sulphate (Avalon,…), Saisentong (Visen,…), Bronopol (Totan,…).

  - Sâu năn: Xuất hiện rải rác tại một số huyện Đồng Tháp Mười với tỷ lệ hại thấp. Thời gian tới cần lưu ý thăm đồng thường xuyên, theo dõi sâu năn trưởng thành vào đèn vì vụ Đông xuân điều kiện thời tiết rất thích hợp cho sâu năn phát sinh và gây hại, đặc biệt trên ruộng gieo sạ giống nhiễm. Đây là sâu hại nguy hiểm, rất khó phát hiện, cần tập trung điều tra phát hiện sớm khi lúa giai đoạn từ 15-25 ngày sau sạ. Biện pháp quản lý khi ruộng bị sâu năn gây hại không để nước ngập sâu trong ruộng, không bón thừa đạm, bảo vệ thiên địch bằng cách hạn chế dùng thuốc trừ sâu phổ rộng.

  - Bệnh Vàng lùn-lùn xoắn lá: Hiện nay bệnh xuất hiện chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trỗ tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa với tỷ lệ bệnh thấp, tuy nhiên trong thời gian tới nếu không quản lý rầy nâu trên đồng ruộng tốt thì khả năng bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao. Vì thế, để quản lý tốt bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá thì cần phải quản lý tốt rầy nâu. Bên cạnh đó kết hợp nhổ bỏ cây bị bệnh và bón phân cân đối nhằm giúp cây lúa khỏe có sức đề kháng chống chịu lại bệnh.

  Ngoài ra, cần chú ý sâu cuốn lá, chuột, các bệnh: đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, thối thân,… cũng là những đối tượng thường gây hại cục bộ ở vụ Đông xuân.

  6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại vật tư không đảm bảo chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.

  7. Để chuẩn bị cho sản xuất lúa Hè thu 2018 thắng lợi đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng các đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương của tỉnh tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn, các giải pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu năn,… đặc biệt tránh lây lan mầm bệnh cho vụ lúa Hè thu chính vụ sẽ gieo sạ tháng 4-5/2018 cần tập trung tuyên truyền vận động nông dân sau khi kết thúc vụ Đông xuân không tiếp tục gieo sạ lúa Hè thu sớm vào tháng 2, 3 nên khuyến cáo vệ sinh đồng ruộng cày ải phơi đất hoặc chuyển sang trồng rau, hoa màu ngắn ngày.

   ​8. Các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chất lượng nước bố trí cán bộ trực ban trong thời gian trước, trong và sau Tết. Chủ động khi có tình huống bất lợi xảy ra đối với sản xuất cây trồng chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng nhau kịp thời giải quyết. 

Nguyễn Thành Lập - Chi cục TTBVTV và QLCLNS
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1