image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Gieo sạ né rầy là giải pháp tốt nhất để hạn chế bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá trên lúa

​   Tình hình bệnh VL-LXL hiện nay rất đáng lo, vì tốc độ truyền bệnh của rầy nâu rất nhanh, không khéo có thể ảnh hưởng đến vụ Đông xuân sắp tới, cần thực hiện một số biện pháp cấp bách như: giám sát chặt chẽ vụ lúa, diện tích lúa nào bị nhiễm bệnh nặng thì hủy hoặc nhiễm 50% thì vận động bà con nông dân nhổ bỏ cấy dặm lại. Sắp xếp lại mùa vụ lúa cho thật hợp lý để có thể "né" được rầy hiệu quả. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về lịch gieo sạ đồng loạt để nông dân biết áp dụng triệt để.  

   I. Cơ sỞ khoa hỌc

   Rầy di trú thường vào buổi chiều tối, từ các trà lúa sắp thu hoạch, khi thân lúa sắp hết nguồn dinh dưỡng sang những nguồn thức ăn dồi dào hơn, xanh tươi hơn, đó là những đỉnh cao của sự di trú, nếu như gieo sạ lai rai, thì dẫn đến thời gian thu hoạch cũng rải rác và rầy di trú cũng sẽ có nhiều đợt, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sản xuất. Khi tiếp xúc với nguồn thức ăn mới thì rầy sẽ chích hút, truyền virus vào thân cây lúa mới, khỏe. Như vậy đối tượng nào có thời gian truyền bệnh ngắn nhất là nguy hiểm nhất. Điều may mắn là rầy nâu không truyền bệnh qua trứng, do vậy mà thế hệ rầy non cần phải tìm nguồn thức ăn (cây lúa bị bệnh) để tập nhiễm virus vào cơ thể, giải pháp ngăn chặn việc tập nhiễm này là "liên tục nhổ bỏ cây lúa bị bệnh trên ruộng". Điều may mắn thứ hai là khi tập nhiễm virus vào cơ thể rầy non cần thời gian từ 10-11 ngày, nhưng thông thường là từ 5-28 ngày, như vậy phần lớn là rầy nâu chỉ truyền bệnh sau khi sống được gần ½ thời gian và như vậy rầy trưởng thành di trú là cực kỳ nguy hiểm. Sau khi di trú, sau khi đẻ trứng và truyền bệnh, rầy sẽ chết. Điều cần lưu ý là phun xịt thuốc hoàn toàn không có ý nghĩa lớn, vì khi di trú vào ruộng lúa mới thì mật số rất cao có thể từ vài trăm đến hàng nghìn rầy trưởng thành trên bụi, vì nếu như rầy có mang mầm bệnh thì việc truyền bệnh vào cây lúa xem như rầy đã thực hiện xong.

   Triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi bị rầy nâu bay đến và chích hút là 15-20 ngày. Khi cây lúa trưởng thành sau 30 ngày trở đi ở giai đoạn đâm chồi tối đa, nếu như bị chích hút trong giai đoạn này thì có 2 khả năng xảy ra, (1) do có nhiều chồi cho nên chỉ những chồi bị chích hút mới có thể nhiễm bệnh, (2) điều thứ hai là khi cây lúa ở giai đoạn này thì khả năng chống chịu tăng lên, thời gian ủ bệnh trong cây lúa kéo dài hơn có thể đến 20 ngày, cây lúa sẽ bị thiệt hại nhẹ vì đang vào giai đoạn chuẩn bị trổ, năng suất giảm không nhiều.  

   Tóm lại "tránh được rầy trong giai đoạn đầu của cây lúa là tối ưu", việc xuống giống và tránh được rầy phải nhờ công cụ hỗ trợ là bẩy đèn kết hợp chặt chẽ với điều tra đánh giá tuổi rầy trên đồng ruộng, có như vậy thì mới dự báo chính xác được. Dự báo trên diện rộng cũng cần hiểu rõ thêm diện tích xuống giống của từng thời điểm, từng địa phương để tính toán những thời điểm di trú lớn, nhất là trong giai đoạn sắp thu hoạch và thu hoạch.​

   II. Quy trình kỹ thuật gieo sạ né rầy

  - Gieo sạ đồng loạt trên diện rộng, mỗi đợt gieo sạ không kéo dài quá 10 ngày.

  - Phải tiến hành gieo sạ trong khoảng thời gian an toàn nhất, khi rầy nâu vào đèn đạt đỉnh cao thì khuyến cáo nông dân chuẩn bị ngâm ủ giống và gieo sạ vào 2-3 ngày sau đỉnh cao rầy vào đèn, chấm dứt gieo sạ trong vòng 10 ngày sau đó.

  - Mỗi địa phương phải có lịch thời vụ, ấn định khoảng thời gian gieo sạ thống nhất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

  - Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, tính thời gian giãn cách 3 tuần giữa 2 vụ lúa để cày ải phơi đất.

  - Để hỗ trợ cho việc gieo sạ né rầy cũng như hạn chế bệnh VL-LXL, đề nghị nông dân và chính quyền địa phương:

  + Thiết lập hệ thống bẫy đèn từ tỉnh đến huyện, xã, ấp để theo diễn biến rầy nâu vào đèn, làm cơ sở để khuyến cáo lịch gieo sạ "né rầy". Căn cứ theo dự báo trước vụ về các đợt rầy di trú do Chi cục TTBVTV tỉnh dự báo, Trạm TTBVTV huyện theo dõi tình hình rầy vào đèn ở huyện và tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành chỉ đạo về lịch gieo sạ.

  + Theo dõi, đo đếm và tính toán mật độ số rầy hàng ngày, sử dụng số liệu bẫy đèn của địa phương làm cơ sở để khuyến cáo thời điểm gieo sạ, tham khảo với các thời điểm dự báo rầy di trú của các cơ quan chuyên môn.

  + Giống lúa sử dụng phải có tính chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL. Đa dạng hóa sinh học trong công tác giống. Trong trường hợp điều kiện canh tác khó khăn không thể gieo sạ đồng loạt theo lịch, nên ưu tiên dùng giống chống chịu đối với bệnh và tùy điều kiện tại chỗ có thể bổ sung thêm các giải pháp thích hợp khác.

  + Áp dụng "3 giảm, 3 tăng", '1 phải 5 giảm", "công nghệ sinh học" trong canh tác thâm canh 3 vụ lúa để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực sâu bệnh hại khác, tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả sản xuất.

  + Chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã tổ chức họp các lãnh đạo địa phương cùng với các ban ngành đoàn thể, họp triển khai trong từng cụm nông dân, nói rõ ý nghĩa của việc xuống giống gieo sạ "né rầy", chuẩn bị giống, làm đất, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu.

Hồng Quyến - CC TTBVTV và QLCLNS
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1