image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tập trung giải pháp phòng chống bệnh lỡ mồm long móng trên gia súc

Thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có một số tỉnh phía Nam gần tỉnh Long An, như: Trà Vinh, Vĩnh Long. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện Đức Hòa, Tân Trụ đã xuất hiện các trường hợp bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM, trong đó có 01 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh LMLM. Do đó, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất cao, diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

Nguyên nhân chủ yếu do: (1) Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, có ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở; (2) Thời gian qua, các địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh LMLM; (3) Trong 03 năm qua (từ năm 2017 - 2019), trên địa bàn tỉnh đều có xảy ra các ổ dịch bệnh LMLM, mầm bệnh còn lưu hành trong đàn gia súc; (4) Hệ thống thú y các cấp có nhiều thay đổi, sáp nhập, cắt giảm làm ảnh hưởng đến công tác chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh, không nắm được thông tin dịch bệnh hoặc chưa đầy đủ, chưa kịp thời,…

Thực hiện Công điện khẩn số 8799/CĐ-BNN-TY ngày 23/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM ở gia súc; để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập cũng như chủ động trong phòng chống dịch bệnh LMLM gia súc, tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới làm ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương quán triệt, chấn chỉnh và tổ chức nghiêm công tác phòng, chống bệnh LMLM theo đúng quy định tại Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngày 8/1/2019, UBND tỉnh ban hành công văn số 100/UBND-KTTC , yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã tập trung triển khai các giải pháp trọng tậm như sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:

- Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh LMLM gia súc, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, kiểm tra chặt chẽ giết mổ không đúng nơi quy định, gia súc nhập vào tỉnh, đặc biệt trong việc ngăn chặn vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép qua biên giới.

- Thực hiện báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

b) Tham mưu thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM tại cơ sở.

c) Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh là chính; tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh theo quy định.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh LMLM gia súc, nhất là khu vực ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để dịch lây lan; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch dẫn đến dịch lây lan trên diện rộng.

c) Chấn chỉnh công tác chuyên môn tại địa phương; tổ chức phòng, chống và báo cáo dịch bệnh tại địa phương (từ ấp, khu phố đến cấp xã, cấp huyện); bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát tổng đàn gia súc tại địa phương, phân loại đàn thuộc diện tiêm phòng, khuyến cáo chủ vật nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc chưa được tiêm phòng hoặc hết thời gian bảo hộ.

d) Thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo UBND làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM gia súc đến tận ấp, khu phố và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao.

e) Tăng cường thông tin tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn và các phương tiện truyền thông của địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh; khi phát hiện gia súc nghi nhiễm bệnh LMLM phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường.

3. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi biết để thực hiện thường xuyên việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh; khi vật nuôi mắc bệnh LMLM, người chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Thú y./.

Phương Khanh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1