image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Hướng dẫn tái đàn trong chăn nuôi heo

Căn cứ Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh dịch tả lợn Châu Phi;

Căn cứ Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi;

Căn cứ Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh DTLCP V/v tái đàn trong chăn nuôi lợn,

Căn cứ diễn biến tình hình Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn về điều kiện tái đàn heo sau dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi, cụ thể như sau:

I. ĐỐI VỚI CƠ SỞ CHĂN NUÔI

1. Cơ sở chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có đủ các điều kiện sau đây

- Chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện kê khai với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trước khi thực hiện việc tái đàn. Trường hợp không kê khai và để xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh theo quy định.

- Có quyết định công bố hết dịch Dịch tả heo Châu Phi của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp địa phương chưa công bố hết dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi thì phải được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu nuôi tái đàn.

- Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP trong chăn nuôi.

2. Khuyến cáo người chăn nuôi chuẩn bị tái đàn, cần thực hiện

- Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi.

- Chỉ mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở có uy tín, kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi và có giấy chứng nhận kiểm dịch và đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh.

- Bố trí nuôi cách ly ít nhất 02 tuần trước khi nhập đàn (đối với các cơ sở hiện đang còn heo trong trại).

- Đối với các cơ sở chăn nuôi tái đàn sau dịch: Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo bệnh cuối cùng và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở đối với quy mô tổng đàn trên 100 con ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô và khả năng nuôi từ 100 trở xuống.

- Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày tình hình sức khỏe đàn heo ổn định, có thể thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn.

- Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn vật nuôi: Dịch tả heo cổ điển, Tai xanh, LMLM...Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ ít nhất 02 lần/tuần để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh xuất hiện, tồn tại trong môi trường; Chấp hành nghiêm chỉnh việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn các điều kiện về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

II. ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

Chỉ đạo Phòng chức năng, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân các xã, phường, thị trấn thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ chức triển khai việc thực hiện kê khai đối với cơ sở chăn nuôi trước khi tái đàn.

- Thực hiện tốt công tác thống kê tổng đàn, theo dõi tình hình dịch bệnh trên heo, xác định tình hình phát triển thực tế của đàn heo tại địa phương.

- Tổ chức khuyến cáo, tuyên truyền người chăn nuôi cẩn trọng trong việc tái đàn, vì nguồn virus vẫn còn lưu hành và rất có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

- Tuyên truyền cho người chăn nuôi về việc tái đàn heo trên địa bàn phải gắn liền với chăn nuôi heo an toàn sinh học, không tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh, vận động người chăn nuôi không được tái đàn khi chưa thỏa mãn các điều kiện trên.

- Hướng dẫn công tác tái đàn có trọng điểm, theo quy hoạch của địa phương và của tỉnh. Khuyến cáo tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.

Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn tái đàn tại công văn số số 7193 /SNN-CCCNTYTS ngày 29/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT V/v Hướng dẫn về điều kiện tái đàn heo sau dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

Căn cứ Hướng dẫn này đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, trong quá trình thực hiện tái đàn heo trên địa bàn quản lý, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các nhu cầu, định hướng phát triển đàn heo phù hợp với tình hình hình địa phương thông báo về Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp giải quyết kịp thời./.


 

Phương Khanh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1