image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch

Ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn với cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong canh tác lúa nói riêng đang là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương ở tỉnh Long An và nông dân tích cực tham gia thực hiện. Từ đó, không những góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, đồng thời thúc đẩy hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững.

anh tin bai

Quang cảnh buổi hội thảo

Cuối tuần vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) Long An tổ chức hội thảo “Sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch” tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Tham dự hội thảo có 60 đại biểu là đại diện TTDVNN tỉnh, TTDVNN huyện, UBND xã, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng và nông dân tham dự.

Mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng Sông Cửu Long”. Dự án được triển khai thực hiện ở 4 tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và mô hình tại xã Tân Hiệp là mô hình thứ 3 được triển khai thực hiện tại tỉnh Long An. Mô hình được thực hiện trong vụ lúa Đông-Xuân năm 2024 - 2025, với 30 hộ nông dân trong Hợp tác xã tham gia, tổng diện tích thực hiện là 50 ha, IR 4625 là giống được sử dụng trong mô hình. Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, sử dụng máy gieo sạ theo cụm, với lượng giống gieo sạ 80 kg/ha. Đồng thời, áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và các biện pháp phòng trừ dịch hại IPM để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ; sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng,... Đặc biệt, chương trình còn hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất lúa bằng cách hỗ trợ kinh phí cho HTX mua hệ thống sạ cụm gồm đầu máy kéo Kubota 6040 và dàn sạ cụm 4m/16 hàng Hàn Quốc (với số tiền hỗ trợ là 245 triệu đồng), giúp nông dân tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

anh tin bai

Trình diễn máy sạ lúa theo cụm

Trước khi diễn ra hội thảo, đại biểu được xem trình diễn máy sạ lúa theo cụm ngay tại ruộng. Các đại biểu được nghe TTDVNN Long An hướng dẫn, giới thiệu về những thiết bị công nghệ ứng dụng trong sản xuất lúa từ khâu làm đất cho đến thu hoạch; trong đó, có máy sạ lúa theo cụm kết hợp bón vùi phân. Việc ứng dụng máy sạ lúa theo cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; giúp lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và đỗ ngã, nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả áp dụng thiết bị sạ lúa theo cụm ở Thủ Thừa, Thạnh Hóa và một số nơi khác cho thấy, nông dân giảm bình quân từ 20 - 40 kg giống/ha, lúa đẻ nhánh tốt, hạn chế đỗ ngã, tăng tỷ lệ hạt chắc trên bông,… lợi nhuận của mô hình cao hơn so với cách sạ truyền thống từ 3.000.000 đồng - 4.000.000 đồng/ha.

Hội thảo cho thấy việc ứng dụng công nghệ gắn với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người trồng lúa; nhiều nông dân tham gia hội thảo đánh giá rất cao thiết bị sạ cụm và đăng ký thực hiện dịch vụ sạ cụm ngay trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Đây là những tín hiệu rất tích cực để giúp cho người trồng lúa tin tưởng và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, tạo sản lượng hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn, tăng tính cạnh tranh, nâng cao uy tín và chất lượng cho lúa gạo xuất khẩu của tỉnh Long An trong thời gian tới./.

Vân Hạ
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1