05/01/2025
Câu lạc bộ canh tác sầu riêng thông minh xã Tân Hiệp tham quan mô hình canh tác sầu riêng tại Bến Tre
Để giúp cho cán bộ kỹ thuật và nông dân trồng sầu riêng huyện Thạnh Hóa có điều kiện tiếp cận kỹ thuật canh tác sầu riêng từ thực tế sản xuất, cuối tháng 12 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức đoàn tham quan khoảng 40 người bao gồm cán bộ kỹ thuật và nông dân là thành viên trong CLB Canh tác sầu riêng thông minh xã Tân Hiệp và nông dân trồng sầu riêng tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa để tham quan mô hình canh tác sầu riêng tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Hình 1. Đoàn đến tham quan “Mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP” tại hộ bà Võ Thị Hoàng Anh
Đoàn đến tham quan “Mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP” tại hộ bà Võ Thị Hoàng Anh, ấp Phú Hòa, xã Quới Thành, huyện Thạnh Hóa. Vườn sầu riêng đã trồng được trên 5 năm và đang giai đoạn ra hoa. Đây là mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre thực hiện và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đồng thời, mô hình cũng là điểm sinh hoạt của Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Quới Thành.
Hình 2. Thạc sĩ Lê Trí Nhân chia sẻ với đoàn trong buổi tham quan
Đoàn tham quan được Thạc sĩ Lê Trí Nhân hướng dẫn tham quan mô hình và chia sẻ với bà con trong đoàn tham quan về kỹ thuật tỉa cành tạo tán, kinh nghiệm xử lý ra hoa đạt hiệu quả, kinh nghiệm cải thiện độ pH đất để phát huy được hiệu quả hấp thu dinh dưỡng khi bón phân cho cây sầu riêng,… Nông dân trong đoàn tham quan đã đặt ra một số câu hỏi với Thạc sĩ Lê Trí Nhân, bà Võ Thị Hoàng Anh và thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Quới Thành về kinh nghiệm sử dụng phân bón kéo đọt, chặn đọt sầu riêng; kinh nghiệm quản lý dịch hại (rầy xanh, bệnh nứt thân xì mủ,…) trên sầu riêng đạt hiệu quả. Các câu hỏi đặt ra đã được giải đáp tận tình và thỏa đáng.
Hình 3. Nông dân chia sẻ trong buổi tham quan
Theo bà Võ Thị Hoàng Anh thì trồng sầu riêng đầu tư khá nhiều và tốn công lao động. Để trồng sầu riêng đạt được kết quả thì yêu cầu quan trọng là cần kiểm soát pH đất ở mức ổn định để cây sầu riêng phát triển tốt. Trước đây, vườn sâu riêng của bà có pH rất thấp (chỉ ở mức pH khoảng 4) qua quá trình cải tạo hiện nay pH đã nâng lên ở mức khoảng 6, nhờ vậy phân bón hấp thu đạt hiệu quả, cây phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, bà con cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời nhận biết được vườn sầu riêng gặp vấn đề gì, để từ đó có giải pháp xử lý sớm và kịp thời.
Ông Trần Văn Sáu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Canh tác sầu riêng thông minh xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa chia sẻ “Mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP tại hộ bà Võ Thị Hoàng Anh là mô hình rất đáng để học hỏi kinh nghiệm từ việc thiết kế vườn, lên liếp, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa cũng như biện pháp quản lý pH đất hiệu quả”. Ông Sáu còn chia sẻ thêm “Sau khi tham quan mô hình này, tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm thiết kế vườn, xẻ rãnh xương cá để thiết kế vườn sầu riêng cho phần diện tích đất chuẩn bị trồng sầu riêng sắp tới của tôi tại xã Tân Hiệp”.
Như vậy, việc tổ chức cho các thành viên trong CLB Canh tác sầu riêng thông minh xã Tân Hiệp tham quan học tập kinh nghiệm trồng sầu riêng tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là rất phù hợp do xã Quới Thành vốn là vùng đất nhiễm phèn và khá tương đồng về điều kiện thổ nhưỡng tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa. Với những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có được sẽ giúp cho nông dân áp dụng mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới./.
Trúc Đào