13/09/2024
Hội Làm Vườn Hỗ Trợ Nông Dân Xử Lý Bệnh Hại Trên Cây Gấc
Vài năm gần đây, gấc là cây trồng được nông dân quan tâm lựa chọn khi chuyển đổi từ những vườn thanh long hiệu quả thấp do cây có đặc tính trồng ngắn ngày, cho trái sau 3-4 tháng trồng, chi phí đầu tư thấp, tạo thu nhập ổn định. Trong canh tác cây gấc hiện nay có xuất hiện một bệnh mới, làm thiệt hại nhiều đến năng suất. Mầm bệnh nầy âm thầm tấn công vào các cây đang cho trái, không có biểu hiện triệu chứng bệnh rõ rệt, nên khó phát hiện cây đang bị bệnh. Đến khi người trồng thấy các nhánh trên giàn bị héo, lá vàng, chết khô từ từ; Lúc đó đào dưới gốc mới thấy 1 phần thân và rễ đã bị thối. Do đó, việc xử lý khống chế bệnh thường quá trễ nên hiệu quả không cao.
Hình : Cây gấc đang bị mầm bệnh tấn công làm chết dây
Nhằm xác định chính xác tác nhân gây bệnh để đưa ra giải pháp phòng trị loại bệnh mới nầy có hiệu quả, Hội Làm vườn tỉnh đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam. Sáng ngày 5/9/2024, nhóm cán bộ chuyên môn do Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ Môn Bảo vệ thực vật đã đến Hợp tác xã Nông Nghiệp Bình Tâm, thành phố Tân An để khảo sát loại bệnh mới nầy trên 2 hộ trồng gấc điển hình. Tham dự nhóm khảo sát trên còn có Kỹ Sư Đỗ Minh Tấn, Trưởng phòng Triển khai ứng dụng, Trung Tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin KH& CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Tại đây, nhóm cán bộ chuyên môn đã thu thập các mẫu bệnh phẩm, mẫu đất, nước tưới của khu vực cũng như thu thập các thông tin thứ cấp về biện pháp canh tác mà nông hộ đang áp dụng
Hình: Nhóm cán bộ chuyên môn Viện Cây Ăn Quả đang khảo sát và lấy mẫu bệnh phẩm trên cây gấc
Thời gian tới, sau khi phân tích các mẫu bệnh phẩm để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, cũng như thực nghiệm những yếu tố có thể khống chế hiệu quả mầm bệnh, Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh đưa ra những khuyến cáo đầy đủ giúp người trồng gấc phòng trị bệnh hiệu quả./.
Nguyễn Thanh Tùng