image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Nét đẹp văn hóa ngày Tết
Từ bao đời nay, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên như là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam và đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp được các thế hệ mai sau nối tiếp nhau gìn giữ, tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân

NHỚ NGƯỜI XƯA TỪNG Ở NƠI NÀY!

Nước sông nọ có nguồn mới chảy,

Hạt thóc kia có cấy mới lên,

Phàm phu cho đến Thánh Hiền,

Ví không Cha Mẹ, sao nên thân Người?

 

Cây có cội mới trổ cành xanh lá

Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông

Làm người phải biết tổ tông

Tổ tông không có như sông không nguồn

 

Từ bao đời nay, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên như là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam và đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp được các thế hệ mai sau nối tiếp nhau gìn giữ, tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Đây cũng là cách giáo dục cho lớp người trẻ về đạo lý, chữ hiếu và lòng biết ơn đối với nguồn cội. Dù cơ hàn hay phú quý thì mỗi gia đình người Việt đều phải có bàn thờ để thờ cúng ông bà tổ tiên. Từ ngàn xưa đã có những nét văn hóa ngày tết và cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại và cần được duy trì. Mâm ngũ quả bên cành mai, câu đối đỏ, bánh tét,… tạo nên khung cảnh ấm áp khi tết đến xuân về trong mọi gia đình.

Trong mỗi gia đình của người Việt luôn có một bàn thờ tổ tiên ông bà. Bàn thờ được đặt trang trọng giữa phòng thờ. Ngày tết trên bàn thờ được trang hoàng thật đẹp với các loại bông hoa rực rỡ và mâm ngũ quả thể hiện đạo lý nhớ về cội nguồn ăn trái nhớ kẻ trông cây. Trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã mất nhưng linh hồn vẫn còn sống luôn phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Người Việt tin rằng, tổ tiên dù thể xác không còn nhưng linh hồn thì bất diệt, vẫn giữ mối quan hệ như lúc còn sống và vẫn có thể rước ông bà vể với con cháu mỗi dịp gia đình có công việc.

Vào chiều ngày 30 tết, khi mọi công đoạn dọn dẹp chuẩn bị đón tết gần như hoàn thành, trên bàn thờ mâm ngũ quả và mâm cơm cho lễ rước, mâm cơm cúng thường có các sản vật ngày tết: con gà luộc, thịt kho, khổ qua hầm,… Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà bày biện sao cho đẹp mắt, nhưng quan trọng nhất ở lòng thành kính để rước ông bà về sum họp cùng con cháu đón giao thừa và lưu lại dương gian trong ba ngày tết. Sau khi rước tổ tiên về vui tết thì con cháu phải xem như tổ tiên hiện đang ở trong nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có trà,nước, đèn nhang nghi ngút. Việc cúng kiếng đèn nhang tổ tiên trong mấy ngày tết thể hiện hiếu đạo của con cháu đồng thời cũng có ý nghĩa cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được bình an, phát đạt suốt năm.

Phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên đã ghi dấu ấn trong lòng mỗi người con Việt, tục đưa rước ông bà làm cho những người con trong gia đình trở nên gần gũi và gắn bó hơn, con cháu cũng hiểu được đạo nghĩa mà ông bà cha mẹ đã góp công gìn giữ lưu truyền đời đời kiếp kiếp và không bao giờ quên được công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Điều này góp phần làm cho gia đình và xã hội tốt đẹp hơn.

Văng vẳng đâu đây: Nhớ người xưa từng ở nơi này…

Thủy Tiên
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1