image banner
Chào mừng bạn đến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Long An
Tổng kết phong trào thi đua năm 2021 và phát động phong trào thi đua năm 2022

Phần 1

          TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2021

         

          Căn cứ Chương trình phát động thi đua tại văn bản số 746/BC-SNN ngày 17 tháng 02 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

          Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 và xây dựng phương hướng nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, cụ thể như sau:

          I. Công tác chỉ đạo, triển khai

          Tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện tốt các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc Sở, cụ thể như: Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính Phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

          Quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 61-CT/TU ngày 17/9/2014 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 và Kế hoạch 05 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 2922/CT-UBND ngày 07/9/2021 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và Kế hoạch 05 năm (2021-2025) theo Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

          Triển khai phong trào thi đua thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch nhà nước của UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát động thi đua toàn ngành số 184/CTr-SNN ngày 11/01/2021 của Sở.

          Ngoài ra, Sở còn triển khai thực hiện tốt các phòng trào thi đua như:  Xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện quy chế dân chủ; tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, v.v.

          II. Kết quả thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng năm 2021

          1. Phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị

          Phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị là phong trào thi đua có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao.

*Chỉ tiêu tăng trưởng Ngành

          Tăng trưởng khu vực I (nông, lâm, thuỷ sản) năm 2021 đạt 2,91%/KH 1,5-2,0% (cùng kỳ năm 2020 tăng trưởng đạt 2,64%).

          a) Trồng trọt

  - Cây lúa: Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2021 đạt 511.344 ha/KH 483.500 ha, đạt 105,8% so với kế hoạch, bằng 101,7% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích thu hoạch 510.955 ha (do mất trắng 390 ha), năng suất bình quân 57,2 tạ/ha, sản lượng 2.923.945 tấn/KH 2.700.000 tấn (đạt 108,3% kế hoạch), tăng 93.700 tấn so với năm 2020. Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1.630.000 tấn/KH 1.500.000 tấn (chiếm 55,76%/KH 55,5%), tăng 180.000 tấn so với cùng kỳ.

- Các cây trồng chuyển đổi khác như mè, bắp, đậu phộng có diện tích trồng thấp hơn so với cùng kỳ; diện tích trồng dưa hấu, rau các loại tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể:

+ Cây bắp: Diện tích gieo trồng 333,4 ha, đạt 68% kế hoạch, bằng 76,1% cùng kỳ năm 2020, năng suất đạt 47,8 tạ/ha, sản lượng 1.595,3 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Thạnh và Tân Hưng.

+ Cây đậu phộng: Diện tích gieo trồng 271,9 ha, đạt 101% kế hoạch, bằng 99,6% cùng kỳ, năng suất đạt 30,9 tạ/ha, sản lượng 841,1 tấn; tập trung chủ yếu ở huyện Đức Hòa.

+ Cây mè: Diện tích gieo trồng 764,7 ha, đạt 76% kế hoạch, bằng 29,9% cùng kỳ; năng suất đạt 7,4 tạ/ha, sản lượng 568,2 tấn, tập trung ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng.

+ Rau các loại: Diện tích trồng 10.959,6 ha, đạt 90% so với kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2020, năng suất đạt 190,1 tạ/ha, sản lượng đạt 208.344,9 tấn, bằng 102,9% cùng kỳ. Trong đó, Dưa hấu: Diện tích trồng 3.697,3 ha, đạt 106% kế hoạch, bằng 122,6% cùng kỳ năm 2020; năng suất thu hoạch đạt 239 tạ/ha, sản lượng 88.376,3 tấn, bằng 112,1% cùng kỳ.

+ Khoai mỡ: Diện tích trồng 2.683,2 ha, đạt 98% kế hoạch, bằng 94,8% cùng kỳ năm 2020, năng suất đạt 177,8 tạ/ha, sản lượng 47.706,6 tấn, bằng 112,5% cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở huyện Thạnh Hóa.

- Cây ăn quả

+ Cây chanh: Diện tích trồng đạt 11.003,46 ha/KH 11.000 ha, đạt 100% KH, bằng 101,6% so cùng kỳ. Diện tích chanh cho trái khoảng 10.079,73 ha tập trung ở các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Sản lượng thu hoạch năm 2021 đạt 150.076 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Giá chanh có hạt từ 3.000 - 11.000 đồng/kg, giảm 3.000-11.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá chanh không hạt từ 2.000 – 14.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 9.000 đồng/kg.

+ Cây thanh long: Diện tích trồng đạt 11.533,82 ha/KH 12.000 ha, đạt 92% KH, bằng 98% so với cùng kỳ. Diện tích cho trái khoảng 11.230,12 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, TP. Tân An, Tân Trụ, Bến Lức. Sản lượng thanh long năm 2021 đạt 320.500 tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Giá thanh long dao động tùy thời điểm: Giá thanh long ruột trắng từ 2.000 – 12.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 3.000 – 25.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

+ Cây mít: Diện tích trồng 2.495,51 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 15.895,3 tấn. Giá mít dao động tùy thời điểm, loại 01 từ 12.000 - 49.000 đồng/kg; mít loại 02 từ 17.000-36.000 đồng/kg; mít loại 03 từ 2.000-24.000 đồng/kg.

b) Chăn nuôi

Tình hình sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên lưu thông vật tư nông nghiệp (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) gặp khó khăn, người chăn nuôi e ngại tái đàn; sản phẩm chăn nuôi được thu mua thông qua thương lái, nhưng tỉnh thực hiện giãn cách nên việc thu mua rất hạn chế. Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi giá bán thấp hơn cùng kỳ,... Hiện nay do tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, các hoạt động của người dân đã về trạng thái bình thường mới, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng nên người chăn nuôi bắt đầu tái đàn, đàn vật nuôi dần hồi phục.

Tổng đàn gia súc, gia cầm đến cuối năm 2021 so với kế hoạch: Đàn heo: 103.000 con (đạt 121% kế hoạch); Đàn gia cầm 8,6 triệu con (đạt 95,6% kế hoạch); đàn bò 125.000 con (đạt 100% kế hoạch); đàn trâu 6.300 con (đạt 100% kế hoạch).

Tình hình dịch bệnh: Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 389 hộ thuộc 138 ấp, 64 xã, 12 huyện với tổng số con bệnh là 714 con (trong đó chết và tiêu hủy 205 con); bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 70 hộ thuộc 39 xã, thị trấn thuộc 13 huyện/thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 1.851 con; Dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 01 hộ thuộc 01 xã, 01 huyện (Thạnh Hóa) với tổng số hủy là 91 con; dịch bệnh Dại động vật xảy ra 02 hộ thuộc 02 xã, 02 huyện: Bến Lức, Tân Hưng với tổng số hủy 02 con.

Công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh được Ngành tập trung thực hiện. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tiêm phòng 108.355 liều vắc xin viêm da nổi cục, đạt gần 86%, LMLM: 105.945 liều (heo 48.210 liều, dê 293 liều, trâu bò 57.442 liều); PRRS: 1.679 liều; Dại: 73.003 liều, đạt 80,2% so với kế hoạch; Cúm gia cầm 2.368.855 liều.

c) Lâm nghiệp

Tiếp tục thực hiện chăm sóc, bảo vệ 21.767,96 ha rừng; đẩy mạnh trồng cây phân tán để tăng độ che phủ. Năm 2021, toàn tỉnh trồng được 1.222.920 cây phân tán các loại/KH 1.000.000 cây và trồng lại sau khai thác 729,13 ha rừng/KH 500 ha.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR theo Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng; Kế hoạch số 7719/KH-SNN ngày 30/12/2020 về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2021. Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô năm 2021; Phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Long An thực hiện kiểm tra việc triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại 16 đơn vị chủ rừng tập trung có diện tích rừng lớn; đã tổ chức kiểm tra 69 lượt đến các xã có rừng và các chủ rừng. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm. Từ đầu mùa khô cho đến nay trên địa bàn xảy ra 01 điểm cháy nhưng không thiệt hại về rừng

d) Thuỷ sản

- Năm 2021: Tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh 8.619 ha, đạt 91,1% so kế hoạch (KH: 9.465 ha) và bằng 104,3% so với cùng kỳ và nuôi lồng/vèo 14.359 m3, đạt 95,7% so kế hoạch; sản lượng thu hoạch 64.600,7 tấn, đạt 107,7 % so với kế hoạch, bằng 104% so cùng kỳ. Trong đó:

* Nuôi nước lợ: Tổng diện tích thả nuôi năm 2021 ước đạt 5.945 ha, đạt 89,7% so với kế hoạch và bằng 106,3% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 15.940 tấn, đạt 107,3 % kế hoạch, bằng 113,3% so cùng kỳ. Trong đó: Nuôi tôm: Ước diện tích thả nuôi tôm 5.925 ha, đạt 89,8% so kế hoạch, bằng 106,4% so với cùng kỳ; năng suất bình quân 3 tấn/ha, sản lượng 15.925 tấn, đạt 107,6% so với kế hoạch và bằng 113,5% so với cùng kỳ.

* Nuôi thủy sản nước ngọt: Tổng diện tích thả nuôi 2.674 ha, đạt 94,3% so kế hoạch, bằng 100,3% so với cùng kỳ và nuôi lồng/vèo 14.359 m3, đạt 95,7% so kế hoạch; sản lượng đạt 48.661 tấn, đạt 107,8% so với kế hoạch, bằng 101,2% so cùng kỳ. Trong đó:

- Nuôi cá ao: Ước diện tích nuôi 2.574 ha, đạt 91,9% so với kế hoạch, bằng 100,6% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 43.667,5 tấn, đạt 106,5% so với kế hoạch và bằng 102,8% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Nuôi cá tra thương phẩm: Diện tích nuôi 950 ha, bằng 104,6% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 34.015 tấn, bằng 105% so với cùng kỳ.

- Nuôi cá khác: Diện tích nuôi 1.624 ha, bằng 98,4% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 9.652,5 tấn, bằng 95,6% so với cùng kỳ.

- Nuôi thủy sản khác: Ước diện tích nuôi 100 ha, bằng 97,4%; sản lượng thu hoạch 4.993,2 tấn/KH 4.100 tấn, đạt 121,8% kế hoạch, bằng 91,1% cùng kỳ

2. Phong trào thi đua thực hiện Xây dựng nông thôn mới (NTM)

Trong năm đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về thực hiện Chương trình nông thôn mới  để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Năm 2021, Ngành tham mưu UBND tỉnh công nhận có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM/KH 7 xã; 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao/KH 7 xã; nâng số xã NTM toàn tỉnh lên 107/161 xã (chiếm 66,4% tổng số xã) và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 17,75%); huyện Châu Thành đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận thị xã Kiến Tường hoàn thành nhiêm vụ NTM và huyện Tân Trụ đạt chuẩn nông thôn mới.

          3. Phong trào thi đua thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2021 ước đạt 99,4%/KH 99,3%;  tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 56%/KH 56%.

4. Phong trào thi đua thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 14/4/2021 của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và Quyết định ban hành Đề án thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2021.

+ Trên cây lúa: Hỗ trợ 02 mô hình VietGAP và mô hình điểm ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Kiến Tường và Mộc Hóa vụ ĐX năm 2020 - 2021; Thực hiện công tác khảo nghiệm giống lúa vụ ĐX 2021-2022; Tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác Đài Loan (xây dựng nhà màng tại Trại nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú); Phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm cây trồng Nam bộ khảo nghiệm sản xuất và đánh giá phản ứng rầy nâu, đạo ôn giống lúa PLA2 vụ Hè Thu năm 2021; Tổ chức Hội nghị triển khai Xây dựng vùng lúa ứng dụng CNC đạt chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại HTX Hưng Thành, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, HTX Dịch vụ, SX và TM Hương Trang, xã Bình Hòa Trung huyện Mộc Hóa, HTX Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng và HTX Phát Lộc, xã Nhơn Hòa Lập huyện Tân Thạnh. Đến nay, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao 6.640 ha , đạt 108,4% so với kế hoạch năm.

+ Trên cây rau: Tổ chức 6 lớp tập huấn nhân rộng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho nông dân các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An. Tổ chức 8 lớp tập huấn về công tác thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cho nông dân sản xuất rau tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An với 315 nông dân tham gia. Đến nay, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao là 1.732 ha, đạt 99,5% so với kế hoạch năm.

+ Trên cây chanh: Đã triển khai 205,6 ha chanh sản xuất UDCNC trên địa bàn huyện Bến Lức, lũy kế đến năm 2021 huyện Bến Lức có 1.525,4 ha chanh ƯDCNC sản xuất theo hướng GAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Châu Âu khoảng 15.000 tấn, của công ty The Fruit Republic (Hà Lan). Bên cạnh đó, phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Long An, Báo Long An thực hiện công tác tuyên truyền . Đến nay, đã thực hiện diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao là 205.6 ha, đạt 64,3% so với kế hoạch năm.

+ Cây thanh long: Tiếp tục duy trì diện tích ứng dụng CNC 3.044 ha trên địa bàn huyện Châu Thành (trong đó Diện tích sản xuất thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 714.38ha). Triển khai Kế hoạch năm 2021 tại huyện Tân Trụ và TPTA. Bên cạnh đó, Phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Long An, Babo1 long An thực hiện các chuyên mục về CNC .

 + Con bò thịt: Phối hợp với địa phương khảo sát, lựa chọn các mô hình đảm bảo các tiêu chí để xây dựng mô hình điểm và các hộ có nhu cầu chuyển đổi giống trong năm 2022; Kiểm tra các mô hình điểm đã được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020. Hiện tại, các thành viên Tổ thực hiện tại 4 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ đang thực hiện khảo sát sơ bộ các hộ dự kiến tham gia mô hình và tham gia chuyển đổi giống.

+ Con tôm: Tổ chức triển khai Đề án hỗ trợ tôm nước lợ giai đoạn 2021-2025 đến các huyện Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành. Tổ chức làm việc với các huyện Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành để xác định cụ thể địa điểm thực hiện và tổ chức lựa chọn các hộ đủ diều kiện tham gia mô hình để triển khai kế hoạch năm 2022. Tổ chức 2 cuộc Hội thảo chuyên đề về kỹ thuật nuôi tôm, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao và một số bệnh thường gặp trên tôm và triển khai 01 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ công nghệ cao 2-3 giai đoạn tập trung xã Tân Chánh (huyện Cần Đước). Đến cuối năm 2021, diện tích tôm ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án là 10 ha.

5. Phong trào thi đua thực hiện quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

Ngành xây dựng và triển khai Hệ thống kết nối cung cầu sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh để kết nối quảng bá tiêu thụ nông sản an toàn của tỉnh. Cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình xuất khẩu, tình tình hoạt động của các cửa khẩu, các quy định mới của các nước nhập khẩu đến các doanh nghiệp, HTX kịp thời để các doanh nghiệp chủ động trong các khâu sản xuất và điều phối sản xuất. Thành lập Tổ Công tác theo dõi, chỉ đạo, thu hoạch và liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; thông báo đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin góp phần tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh ….

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên sản phẩm rau, thịt, lúa gạo, thanh long, thủy sản; phối hợp Ban An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng được 10 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn; hỗ trợ 14 doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng 31 điểm bán sản phẩm nông sản an toàn; đã hình thành nhiều chuỗi liên kết có quy mô lớn, điển hình là: chuỗi trứng gà, thịt gà của Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty TNHH San Hà; chuỗi rau của HTX Thuận Giàu, Phước Thịnh, Phước Hòa,…. Toàn tỉnh có trên 65 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, BRC, HALAL trong sơ chế, chế biến nông sản; có 04 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,... xuất khẩu được sang như Mỹ, Úc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc,...; có 217 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng trên các loại cây trồng như: Thanh long, chuối, dưa hấu, chanh, xoài Úc với diện tích 15.760 ha; có 134 cơ sở đóng gói

Về công tác thanh tra chuyên Ngành: Năm 2021, Ngành đã thanh tra 814 cơ sở (775 cá nhân, 39 tổ chức); chủ yếu là thanh tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng; sản phẩm nông lâm thủy sản; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ động vật, sản phẩm động vật; điểm tập trung kiểm dịch động vật; Sở đã ban hành 77 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (71 cá nhân, 06 tổ chức), số tiền xử phạt là 754.922.500 đồng đồng (trong đó cá nhân: 506.922.500 đồng, tổ chức: 248.000.000 đồng). Hành vi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Buôn bán phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; sản xuất phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường khi chưa gửi thông tin đến đến Bộ Nông nghiệp và PTNT,….

  6. Phong trào thi đua thực hiện công tác cải cách hành chính

Trong năm 2021, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tích cực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC với nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, nhằm nâng cao hơn kết quả công tác CCHC của Ngành, cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: Ban hành Kế hoạch số 7748/KH-SNN ngày 31/12/2020 về kế hoạch công tác CCHC năm 2021 của Ngành, kết quả 100% các đơn vị trực thuộc đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể tại đơn vị và báo cáo kết quả về Sở theo dõi, tổng hợp; ban hành Kế hoạch số 506/KH-SNN ngày 27/01/2021 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin năm 2021 và đã triển khai phổ biến đến các đơn vị của Sở thực hiện.

Chỉ đạo tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát, chấn chỉnh tình hình sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh đối với các cá nhân, đơn vị trong Ngành. Kết quả: 100% văn bản đi được phát hành điện tử; 100% văn bản đi được ký số phát hành điện tử, 100% tỷ lệ CC,VC sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Đến 15/12/2021, Sở tiếp nhận và giải quyết 2.341 hồ sơ, trong đó 2.015 hồ sơ giải quyết trước hạn, 326 hồ sơ đúng hạn (trực tuyến: 591 hồ sơ; qua dịch vụ bưu chính công ích: 922 hồ sơ).

Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh; Ngành Nông nghiệp có tổng số 105 TTHC, trong đó cấp tỉnh Ngành có 87 TTHC mức độ 4 và 01 TTHC mức độ 3, 02 TTHC đặc thù trực tiếp thực hiện tại đơn vị, cấp huyện có 08 TTHC mức độ 4 và cấp xã có 07 TTHC mức độ 4. Đến nay, Ngành có 591 hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Thời gian qua Sở đã tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức có liên quan tiếp cận, tin tưởng sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến, bưu chính công ích. Thủ tục hành chính được niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Kế hoạch số 838/KH-SNN ngày 21/02/2021 của về Khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ tại Sở; qua đó trong năm 2021 Sở thực hiện khảo sát 200 phiếu đối với các cá nhân, tổ chức có tham gia giải quyết TTHC liên quan lĩnh vực Ngành. Qua kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở cho thấy 99,5% cá nhân, tổ chức đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ tại Sở.

7. Phong trào thi đua thực hiện tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh thuộc nhiệm vụ chính trị kịp thời, đúng quy định pháp luật

      Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

      Sở Nông nghiệp và PTNT được giao thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, Sở đã hoàn thành đúng hạn 08/8 nhiệm vụ:

      a) Xây dựng Đề án trồng rừng phòng hộ biên giới.

      b) Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

      c) Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2021.

      d) Xây dựng Chương trình Mục tiêu Nước sạch và VSMTNT năm 2021.

      đ) Kế hoạch thực hiện và nhân rộng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.

      e) Kế hoạch thực hiện và nhân rộng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn năm 2021.

      g) Xây dựng Đề án thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2021, giai đoạn 2021-2025.

      h) Xây dựng Đề án dịch vụ môi trường rừng.

      8. Phong trào thi đua thực hiện hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên; hoạt động xã hội, từ thiện

- Đảng ủy Sở ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị chuyên đề năm 2021 "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Tổ chức Hội nghị triển khai học tập, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2021 "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Sau khi học tập, các chi bộ đã triển khai hướng dẫn 100% đảng viên, công chức, viên chức và người lao động viết bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện năm 2021.

- Quan tâm giáo dục cán bộ, công chức, viên chức ý thức đấu tranh bảo vệ cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động chuyên môn của cơ quan.

- Thực hiện tốt chế độ chính sách và thực hiện chăm lo đời sống đối với CBCC, VC cơ quan vào các dịp lễ, tết. Tổ chức họp mặt cán bộ lãnh đạo đã hưu trí; thăm và tặng quà tết cho gia đình CBCCVC khó khăn; cùng Hội Cựu chiến binh Sở tổ chức thăm và tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh đã nghỉ hưu; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của CNVC-LĐ như: tết Dương lịch; kỷ niệm ngày 30.4 và 1.5 hỗ trợ đoàn viên công đoàn 500.000 đồng/CĐV; hỗ trợ thu nhập tăng thêm vào dịp tết nguyên đán với mức 1.000.000 đồng/người/tháng làm việc; hỗ trợ mỗi đoàn viên công đoàn 500.000 đồng/người nhận dịp lễ 2.9; Tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ như quỹ tấm lòng vàng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, v.v.

  9. Phát động phong trào thi đua nhằm phát huy sáng kiến cải tiến, các giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ, quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động trong toàn ngành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao

- Tổ chức phát động phong trào thi đua: Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhà nước năm 2021; Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chương trình hành động số 184/CTr-SNN ngày 11/01/2021 về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 cụ thể đến các phòng ban, đơn vị thuộc Sở. Ngoài ra, Sở còn tổ chức thực hiện tốt các phòng trào thi đua như: Phong trào thi đua giữa các Cụm Phòng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến, Xây dựng cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện quy chế dân chủ; tham gia các hoạt động văn hóa thể thao.

- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng: Sở đã ban hành nguyên tắc chấm điểm tại Quyết định số 446/QĐ-SNN ngày 16/5/2017 về việc ban hành Nguyên tắc đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ các phòng, đơn vị thuộc Sở, để đánh giá khách quan, chính xác mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các phòng, đơn vị, trên cơ sở đó đề nghị xét thi đua, khen thưởng hợp lý, đúng tiêu chuẩn hơn.

- Công tác xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng Sở luôn thực hiện đúng quy định theo văn bản pháp luật, đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thành tích. Tăng cường ướng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thi đua, khen thưởng, số liệu về thi đua khen thưởng luôn được lưu hồ sơ bằng văn bản và trên hệ thống máy tính, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo của lãnh đạo Sở.

- Trong năm đã có 30 sáng kiến, cải tiến (42 tác giả) là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác đã được áp dụng có hiệu quả  góp phần tiết kiệm chi phí và hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của đơn vị. Cụ thể một số giải pháp, sáng kiến như: Xử lý kỹ thuật do vướng đường dây trung, cao thế khi xây dựng Kè. Ứng dụng tường bản góc thay cho cừ SW 500B; Gói thầu thi công xây dựng kè đoạn từ K0+015 – K0+505 và Bảo đảm giao thông thủy, Dự án Kè Thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Lắp đặt bánh hơi để chống lún và cải tiến phao trượt phía sau cho máy sạ lúa theo cụm, Quét vôi vào cuốn trái mít ngừa bệnh thối trái, Lợi ích của việc trồng cây phủ đất thay thế rơm rạ trong vườn thanh long, v.v.

  III. Kết quả công tác thi đua khen thưởng

  1. Danh hiệu thi đua:

  a) Lao động tiên tiến:

  - Cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến: 513/527  cá nhân, đạt 97,34% so với kế hoạch 95%.

  - Tập thể lao động tiên tiến: 70/71 tập thể, đạt 98,59% KH.

  b) Tập thể Lao động xuất sắc: 03/13 tập thể, đạt 100% so với kế hoạch.

  c) Cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở: 25/20 cá nhân, đạt 125% kế hoạch.

  2. Hình thức khen thưởng:

  a) Cờ Thi đua Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tại Hội nghị Tổng kết Khối Thi đua Vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2021. Sở Nông nghiệp và PTNT xếp hạng 03 trong phong trào thi đua của Khối, được đề nghị tặng Cờ Thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đạt 100% kế hoạch.

  b) Cờ Thi đua UBND tỉnh: Sở đã gửi báo cáo tổng kết đến Trưởng Khối và đề nghị tặng Cờ Thi đua UBND tỉnh. Hội nghị tổng kết sẽ diễn ra trong quý I/2021.

  c) Bằng khen UBND tỉnh: 01 tập thể, đạt 100% kế hoạch

  d) Giấy khen hoàn thành nhiệm vụ năm: 15 tập thể và 111 cá nhân, đạt 100% kế hoạch.

  e) Giấy khen chuyên đề:

  Tặng giấy khen Giám đốc Sở cho 01 tập thể, 15 cá nhân có thành tích trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2016-2020; 11 cá nhân có thành tích trong thực hiện mô hình Nam giới điểm 10; 10 cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động Vì sự tiến bộ phụ nữ; 03 tập thể, 03 cá nhân có thành tích trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; 114 tập thể và 95 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới…

  3. Kết quả hoạt động Tổ Chức Đảng Và Đoàn Thể

          Đạt và vượt kế hoạch, trong đó:

          - Đảng bộ cơ sở Sở:  Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

          - Công đoàn cơ sở: Hoàn thành tốt nhiệm vụ

          - Đoàn cở sở Sở: Hoàn thành tốt nhiệm vụ

          - Hội Cựu chiến binh: Hoàn thành tốt nhiệm vụ

  IV. Đánh giá chung

1. Những mặt làm được

Phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Sở Nông nghiệp và PTNT trong năm 2021 đã thực hiện tốt; đầu năm có phát động phong trào thi đua, có đăng ký và báo cáo tổng kết đánh giá; công tác khen thưởng kịp thời theo đúng qui định. Đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.

Tham gia phong trào thi đua của cụm, khối thi đua và công tác xét thi đua đúng quy chế đề ra; thực hiện tốt công tác tổ chức các phong trào thi đua toàn diện, thi đua chuyên đề như thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, thi đua Cụm thi đua Phòng nông nghiệp, Khối Kinh tế kỹ thuật, Khối đồng bằng sông Cửu Long, ... ; nhận thức về vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng trong toàn thể công chức, viên chức và lao động ngành đã có những chuyển biến tích cực.

2. Những mặt tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Sở trong năm qua còn những tồn tại, hạn chế đó là:

- Các giải pháp, cải tiến được công nhận sáng kiến còn ít so với số lượng công chức, viên chức của ngành.

- Hiệu quả triển khai phong trào thi đua một số cơ quan, đơn vị trực thuộc có hiệu quả chưa cao, cách làm còn mang tính hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua chưa đa dạng, phong phú.

3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

- Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, nên việc triển khai phát động phong trào thi đua sôi nổi, đa dạng về hình thức lẫn nội dung còn hạn chế nhất định.

- Một số công chức, viên chức và người lao động của ngành ít tiếp cận, nghiên cứu văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn công tác của ngành, chưa mạnh dạng đề xuất sáng kiến, tham mưu lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ ngành.

4. Giải pháp

- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua, trên cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, biện pháp phù hợp để phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực.

- Công chức, viên chức và người lao động tự nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp làm việc, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn công tác của ngành; nghiên cứu các văn bản về thi đua khen thưởng, các quy định, điều kiện để được công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, áp dụng hiệu quả các giải pháp sáng kiến, qua đó phát huy phong trào thi đua của đơn vị.

 

 

 

 

 

 

 

Phần 2

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2022

 

  Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021. Năm 2022 Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh XI đã đề ra; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng, các ngày lễ lớn trong năm 2022. Thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của toàn Ngành năm 2022.

  I. Mục tiêu

  Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các phòng, đơn vị; công chức, viên chức và người lao động trong ngành Nông nghiệp và PTNT hưởng ứng phong trào thi đua của tỉnh phát động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua phong trào thi đua góp phần phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2022, cụ thể như sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng toàn Ngành năm 2022 đạt từ 2,0 - 2,5%.

(2) Sản lượng lúa đạt 2.750.000 tấn. Trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 60% tổng sản lượng.

(3) Có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 08 xã nông thôn mới nâng cao.

(4) Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 99,4%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật hiện hành: 58%.

(5) Trồng 500 ha rừng sản xuất sau khai thác và trồng 1,65 triệu cây phân tán các loại trở lên.

  II. Nội dung thi đua

  1. Thi đua thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022 theo Quyết định của UBND tỉnh về việc giao Chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Chương trình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Sở; thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ từng phòng, ban, đơn vị thuộc Sở.

  2. Thi đua thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

3. Thi đua thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hiện đúng quy định, hiệu quả; thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

4. Thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật nhà nước.

5. Thi đua thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn trong chăn nuôi và giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại tố cáo.

6. Thi đua tham gia xây dựng Đảng bộ cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nông thôn đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt nhiệm vụ"; các tổ chức đoàn thể: Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh Sở đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt nhiệm vụ"; thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

7. Thi đua phấn đấu hoàn thành đạt các chỉ tiêu thi đua, khen thưởng trong năm 2022:

- Tập thể Sở được tặng Cờ Thi đua Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bằng khen/Cờ Thi đua UBND tỉnh.

- Trên 95% tập thể, cá nhân trong ngành đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

- Phấn đấu 02 tập thể (phòng ban, đơn vị) đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

- Phấn đấu 20 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

- Phấn đấu 01 tập thể  (phòng ban, đơn vị) và 01 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của UBND tỉnh.

- 20% tập thể, cá nhân được tặng Giấy khen của Giám đốc Sở.

  III. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ vào mục tiêu, nội dung thi đua, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị nhằm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác thi đua, khen thưởng; vận động các tập thể đơn vị và cá nhân đăng ký thi đua và tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị  và của ngành.

2. Giao Thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Sở có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, giúp Hội đồng Thi đua Khen thưởng thẩm định thành tích để xem xét, biểu dương, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng chính xác, kịp thời cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho phòng trào thi đua yêu nước trong năm 2022.

3. Trên cơ sở chương trình phát động thi đua của Sở, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng kế hoạch phát động thi đua của đơn vị và triển khai đến công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị đăng ký thi đua, gửi kế hoạch phát động thi đua và danh sách đăng ký thi đua (đính kèm theo) về Sở thông qua Văn phòng Sở chậm nhất ngày 10/02/2022.

  Trên đây là báo cáo tổng kết phong trào thi đua năm 2021 và phát động phong trào thi đua năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An./.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1