Thúc Đẩy Môi Trường Kinh Doanh Cấp Tỉnh Đối Với Kinh Tế Tập Thể, Hợp Tác Xã Trong Lĩnh Vực Nông Nghiệp
Chủ trì Hội thảo Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT và PTNT và Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT.
Thành phần tham dự gồm đại diện các cơ quan, Bộ ngành Trung ương (Vụ Nông nghiệp, nông thôn, Vụ Nông nghiệp và PTNT, Cục Kinh tế hợp tác, Viện Nghiên cứu quản lý - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam, Ban Kế hoạch, Ban Chính sách, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác); Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Các chuyên gia, nhà khoa học; Các Viện, Trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Trường Chính sách công phát triển nông thôn); Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị trực thuộc và các HTX nông nghiệp các tỉnh; tổ chức quốc tế; Cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.
Ông Lưu Ngọc Lương- Trưởng phòng, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo
Mục tiêu Hội thảo nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phát triển với mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường kinh doanh, trong đó hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp. Ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh đối với mô hình này, tạo thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng…
Ngày 18/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu, chỉ số, hình thức đánh giá, xếp hạng “môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận cụ thể: (1) Bản chất đặc trưng, vai trò và sự cần thiết thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với khu vực KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do PGS.TS.Chu Tiến Quang-Nguyên Trưởng ban Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày. Theo Ông Quang môi trường kinh doanh của tổ chức KTTT-HTX là môi trường kép gồm môi trường “bên trong” và “bên ngoài”. Việc thúc đẩy phát triển cả 02 môi trường bên trong và bên ngoài đối với các tổ chức KTTT-HTX là cần thiết nhằm tạo điều kiện, cơ hội để các tổ chức KTTT-HTX hoạt động đúng các nguyên tắc HTX, đạt kết quả cao, từ đó phát triển bền vững. Trách nhiệm thúc đẩy phát triển “môi trường bên trong” thuộc về các tổ chức đại diện và tổ chức hỗ trợ KTTT-HTX trong cả nước và ở từng tỉnh với các hoạt động như: tư vấn, hướng dẫn, giám sát, kiểm toán, đánh giá và hỗ trợ từng tổ chức KTTT-HTX tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trách nhiệm thúc đẩy phát triển “môi trường bên ngoài” thuộc về các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan chính quyền địa phương các cấp trong tạo lập và vận hành pháp luật, chính sách đối với KTTT-HTX.
(2) Ông Lưu Ngọc Lương- Trưởng phòng, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng từ thực trạng phát triển của khu vực KTTT, HTX những năm vừa qua, hành lang pháp lý chung cho KTTT, HTX đã và ngày càng được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 được thông qua với nhiều điểm mới, làm rõ hơn bản chất, vai trò của HTX trong hỗ trợ và phát triển thành viên, mở rộng phạm vi điều chỉnh tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết, hợp tác giữa thành viên trong hợp tác xã, giữa hợp tác xã – hợp tác xã, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp (nội dung Luật HTX năm 2023 và các điều kiện thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với HTX).
(3) TS. Nguyễn Minh Thảo- Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham luận nội dung “Chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với khu vực KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”. Bà đã đưa ra 10 giải pháp thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh cho KTTT, HTX gồm: Thay đổi tư duy (coi trọng và nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho KTTT, HTX nhằm hướng tới chất lượng phục vụ, đem tới sự hài lòng cho HTX và người dân); Lựa chọn các mục tiêu ưu tiên, xác định mục tiêu theo giai đoạn, theo từng năm, theo vấn đề, theo định hướng phát triển và đặc thù của địa phương; Các Sở, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của mình như giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi,…; Cải thiện chất lượng dịch vụ công để nâng tỷ lệ TTHC kết nối trực tuyến và tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến, kết nối dữ liệu giữa các Sở, ngành, địa phương; Mở rộng và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ HTX; Cơ chế đối thoại, cơ chế tiếp nhận vướng mắc và giải đáp các vấn đề, kiến nghị từ HTX; Cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập; Cơ chế khuyến khích; tạo động lực và truyền cảm hứng để có các ý tưởng đổi mới, cải cách về môi trường kinh doanh; Kết nối, chia sẻ từ HTX và các thành viên và công tác truyền thông.
Trọng tâm là một số kết quả ban đầu của Nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu, chỉ số, hình thức đánh giá, xếp hạng “môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp” của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với mục tiêu cụ thể là rà soát đánh giá chính sách và thực trạng phát triển KTTT, HTX nông nghiệp. Xây dựng và dự thảo chi tiết bộ chỉ số đánh giá xếp hạng “Môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đã dự thảo 2 nhóm tiêu chí với 9 chỉ tiêu (nhóm tiêu chí 1: đánh giá tình hình phát triển và hoạt động của HTX (Tăng trưởng số lượng và quy mô HTX nông nghiệp; Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; Năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ của HTX nông nghiệp; Kết quả hoạt động kinh doanh của HTX nông nghiệp; Quản trị công khai minh bạch của HTX nông nghiệp) và nhóm tiêu chí 2: Đánh giá môi trường tạo thuận lợi cho sự phát triển của HTX nông nghiệp: Tính sẵn sàng và quyết liệt của địa phương trong triển khai các chính sách về HTX; Mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với hạ tầng và dịch vụ công liên quan đến hoạt động của HTX tại địa phương; Mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với các chính sách hỗ trợ HTX của địa phương; Mức độ hài lòng của HTX nông nghiệp với thể chế hỗ trợ hoạt động của HTX nông nghiệp).
Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng “Môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp” đang trong giai đoạn góp ý và dự kiến hoàn thiện, tổ chức triển khai đánh giá thí điểm bộ chỉ số đánh giá xếp hạng trong năm 2024-2025.