Việt Nam là một quốc gia với nhiều nông sản phẩm dẫn đầu thế giới, 10 sản phẩm xuất khẩu trong đó có 8 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, ...). Tuy nhiên có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch xuất khẩu thấp, 80% sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, chưa logo, nhãn mác,.... và trong đó có nhiều sản phẩm bán ra thị trường trong nước và nước ngoài thông qua thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn khiến sức cạnh tranh nông sản yếu và chịu rất nhiều thiệt thòi và cần có một giải pháp toàn diện để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường trong điều kiện nước ta gia nhập sâu và rộng trên thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là nước ta đang thiếu một chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, hệ thống quy định pháp luật chưa thống nhất, thiếu cơ chế, chính sách hoặc có nhưng khó tiếp cận và áp dụng trong thực tiễn.
Ngày 24/12/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo bàn về định hướng và giải pháp phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó đến năm 2020 tập trung xây dựng cho 5 mặt hàng chủ lực, có thế mạnh là xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra.
Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung một số giải pháp:
(1) Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam làm cơ sở, căn cứ cho các địa phương thực hiện.
(2) Tăng cường chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất sạch để thiết lập các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh hàng hóa.
(3) Hỗ trợ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến, thiết lập các hệ thống cung cấp giống, vật tư đầu vào chất lượng, dịch vụ hậu cần sản xuất đạt tiêu chuẩn, thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, truy nguyên nguồn gốc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản.
(4) Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu. Tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu thị trường để định hướng sản xuất.